MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vành đai 4 vùng thủ đô biến hàng nghìn ha thành đất vàng, đất bạc

Nhóm PV LDO | 10/06/2022 10:00
Theo Đại biểu Quốc hội, việc làm đường Vành đai 4 vùng thủ đô sẽ biến hàng nghìn ha đất thành đất vàng, đất bạc, khu đô thị, khu công nghiệp. Đại biểu cũng đề nghị cần thu phí 30 năm với hai dự án này, thay vì 21 năm như tờ trình của Chính phủ.

Đề nghị thu phí 30 năm với 2 dự án đường vành đai

Sáng 10.6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, dự án đường vành đai 3 TPHCM.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết, việc triển khai các dự án này mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp, gián tiếp to lớn, do có thêm hàng nghìn ha đất trở thành đất vàng, đất bạc; có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học…

"Việc đầu tư để hoàn thành hai dự án này hết sức cần thiết, cấp bách, hữu hiệu. Mong Quốc hội thông qua để hai dự án sớm được triển khai", đại biểu cho hay.

Song, đại biểu cũng lưu ý trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm. Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia.

Bất động sản này sinh lời trực tiếp và gián tiếp ngay trên thân thể con đường, ngay cạnh con đường và cả một khu vực vành đai, thậm chí cả một miền đất nước.

Vì vậy, phải làm cho thật tốt, thật chất lượng. Trong tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian thu phí là 21 năm, đại biểu xem xét việc thu phí hoàn vốn là 30 năm, như vậy nhẹ bớt cho nhà đầu tư và làm giảm giá thu phí đường cho nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí. Ảnh: QH 

"Một tuyến đường được xây dựng với chất lượng, độ bền là 100 năm, nếu thu phí hoàn vốn 35 thì vẫn còn 75 nữa, hàng năm chỉ cần tu sửa mà dùng vẫn rất có hiệu quả. Tôi mong Chính phủ và các tỉnh có liên quan làm thật tốt công tác quy hoạch đồng bộ khu vực vành đai của các tuyến đường để tăng thêm tính hiệu quả của hai dự án quan trọng này", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Cần thực hiện chặt chẽ việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho rằng, trong thiết kế dự án cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, các tuyến giao thông đang có.

Đồng thời cần có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để đảm bảo việc đi lại, làm ăn của người dân, đồng thời trong thi công cần phải có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.

Cho rằng hai tuyến đường sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu, đại biểu đề nghị cần thực hiện chặt chẽ việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch xây đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Tạ Thị Yên. Ảnh: QH 

Đại biểu Lê Hoài Trung (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị cần cơ chế kiểm tra, giám sát để hạn chế các sai sót không cần thiết.

"Qua kinh nghiệm quốc tế, khi xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng đều nảy sinh các vấn đề về hiệu quả, vi phạm. Do đó, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả triển khai các dự án, đại biểu kiến nghị nên có cơ chế về chuyên môn.

Ví dụ, có thể thành lập các nhóm đặc trách để giải quyết, hỗ trợ thêm về các vấn đề pháp lý, hành chính và kỹ thuật, các địa phương và các nơi khi có vấn đề giống như những cái nhóm lưu động", đại biểu nói.

Đại biểu cũng cho rằng cần có một khoá đào tạo về những vấn đề pháp lý, quy trình, kỹ thuật cho các đơn vị và các địa phương, kể cả các cơ quan, các nhà đầu tư. Từ đó giúp giảm bớt những sai sót không cần thiết.

Mặt khác, đại biểu cho rằng nên có cơ chế giám sát, kiểm tra để giúp giảm bớt các sai sót. Đồng thời, nên quan tâm đến lợi ích thích đáng của các nhà đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn