MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ hỗ trợ toàn bộ phần vốn Nhà nước bằng Ngân sách Trung ương để thực hiện Dự án xây dựng cao tốc Điện Biên - Sơn La. Ảnh: Sở GTVT Điện Biên

Vì sao Điện Biên đề nghị Chính phủ hỗ trợ 4.620 tỉ làm cao tốc?

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 15/02/2023 09:34

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện Dự án cao tốc Điện Biên - Sơn La, UBND tỉnh Điện Biên vừa có tờ trình đề nghị hỗ trợ toàn bộ phần vốn Nhà nước bằng Ngân sách Trung ương.

Nội dung trên được thể hiện tại Tờ trình số 387/TTr-UBND ngày 10.2.2023 của UBND tỉnh Điện Biên gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (cao tốc Điện Biên - Sơn La), giai đoạn 1.

Trước đó, Dự án xây dựng cao tốc Điện Biên - Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BTL trong giai đoạn 2022-2030. Đồng thời giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án.

Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí thực hiện dự án, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ toàn bộ phần vốn Nhà nước tham gia thực hiện Dự án là 4.620 tỉ đồng bằng Ngân sách Trung ương.

Sáng 15.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Thanh Kiên - Giám đốc Sở GTVT Điện Biên - cho biết, việc tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ hỗ trợ toàn bộ phần vốn Nhà nước là phù hợp với điều kiện thực tế vì Điện Biên vẫn là 1 tỉnh nghèo.

"Dự án cao tốc Điện Biên - Sơn La được đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BTL, trong đó quy định phần vốn Nhà nước (từ ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương) tham gia không quá 50%. Do đó khi địa phương khó khăn về nguồn vốn thì đề nghị Trung ương hỗ trợ để thực hiện dự án" - ông Kiên nói.

Sau khi Dự án xây dựng Cao tốc Điện Biên - Sơn La hoàn thành sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển giữa các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Văn Thành Chương

Theo đó, tổng mức đầu tư Dự án dự kiến là 9.246 tỉ đồng, trong đó phần vốn ngân sách Nhà nước là 4.620 tỉ đồng, chiếm 49,96%; phần vốn nhà đầu tư tham gia là 4.627 tỉ đồng chiếm 50,04% tổng vốn đầu tư dự án.

Để thực hiện dự án này, tỉnh Điện Biên cũng sẽ phải đầu tư khoảng trên 500 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Trước đó, tháng 6.2022, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Điện Biên là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án xây dựng cao tốc Điện Biên - Sơn La, giai đoạn 1 (TP. Điện Biên Phủ - Nút giao Km15 + 800, Quốc lộ 279) theo phương thức PPP, loại hợp đồng BLT trong giai đoạn 2022 - 2030.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Điện Biên phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Sơn La và các cơ quan có liên quan triển khai dự án theo đúng quy định.

Theo dự kiến, tỉnh Điện Biên sẽ hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, khảo sát thiết kế vào tháng 7.2023 hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công xây dựng vào tháng 12.2023.

Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1) có điểm đầu tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; điểm cuối tại nút giao Km15+800, Quốc lộ 279), xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên với tổng chiều dài tuyến khoảng 44km.

Theo quy hoạch, tuyến đường có quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến, tốc độ thiết kế 80km/h, có chiều rộng nền đường 22m. Tuy nhiên, để việc đầu tư đạt hiệu quả, đảm bảo đáp ứng phù hợp với nhu cầu thực tế và nguồn lực đầu tư, UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị phân kỳ đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 với chiều rộng nền đường 14,5m, chiều rộng mặt đường 11m, gồm 2 làn xe cơ giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn