MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh: Tô Thế

Vì sao Ngã Tư Sở ùn tắc dù đường vành đai 2 trên cao đã hoạt động?

TÔ THẾ - HOÀI ANH LDO | 12/11/2020 12:04
Trước tình trạng Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Láng ùn tắc sau khi đường vành đai 2 được đưa vào khai thác, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông đã có những lý giải về việc này.

Nước xiết chảy vào miệng cống hẹp

Khi đường vành đai 2 trên cao được đưa vào hoạt động, đường thông thoáng, xe lưu thông nhanh, tuy nhiên tại vị trí xe xuống, tức nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Láng lại xảy ra ùn tắc. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy so sánh tình trạng này giống như dòng nước chảy xiết dồn vào một cái cống hẹp, và ùn tắc là điều xảy ra tất yếu.

"Trước đây tình trạng ùn tắc cũng đã xảy ra tại Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Láng. Khi đường vành đai 2 thông xe, lượng xe lưu thông nhanh hơn, lúc đó giao thông như một dòng nước chảy xiết, còn ngã tư như một cái cống hẹp, do đó dẫn đến tình trạng ùn tắc. Ngoài ra, cũng có thể do người lái ôtô còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen nên chưa đi lên cầu. Tôi nghĩ 1 vài tuần hoặc 1 vài tháng thì người dân sẽ quen hơn, lượng ô tô đi lên cầu nhiều hơn thì sẽ giảm bớt ùn tắc", Tiến sĩ Thủy lí giải.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông. Ảnh: Tô Thế

Một nguyên nhân khác được Tiến sĩ Thủy chỉ ra là việc tổ chức giao thông tại 2 đầu Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng chưa thật sự tốt, khiến tắc lại càng thêm tắc. Điển hình là việc phân luồng giao thông, thời lượng đèn xanh đèn đỏ và tỉ lệ giữa 2 loại đèn này.

"Xe từ trên cầu sẽ đi xuống 2 ngã tư là Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng. Vậy nên 2 ngã tư này phải cải tạo, nâng cấp hơn và tổ chức tại để giảm bớt sự xung đột giữa các dòng xe", Tiến sĩ Thủy nói.

Ùn tắc tại khu vực Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Láng. Ảnh: Tô Thế

Cách gỡ "nút thắt"

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, việc xây dựng đường trên cao để tăng không gian đi lại cho người dân là điều cần thiết, tuy nhiên, để có thể đưa vào sử dụng hiệu quả, cần cải tạo, nâng cấp và tiếp tục nghiên cứu để phân bố cho phù hợp.

Theo Tiến sĩ Thủy, việc đầu tiên là cần tổ chức lại giao thông và nâng cấp hạ tầng ở các nút giao thông. Cần cải tạo, cải tiến, dùng giao thông thông minh đề chiều chỉnh đèn tín hiệu:

"Cần làm thế nào để dòng xe các hướng có tỉ lệ hợp lí và ít bị xung đột. Cũng cần điều chỉnh tỉ lệ đèn xanh đèn đỏ cho phù hợp, không nên đặt theo cảm tính. Đèn đỏ nhiều quá còn xanh ít quá hoặc ngược lại thì sẽ bị ùn tắc. Cần phải có máy đếm hoặc người đếm để xem với lưu lượng như vậy thì nên để bao nhiêu giây và theo tôi không nên vượt quá 50 giây. Trong 1 ngày, lượng giây cũng cần phải thay đổi thường xuyên theo các khung giờ khác nhau. Tỉ lệ đèn đỏ và đèn xanh cũng cần phủ hợp", Tiến sĩ Thủy nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, cũng cần cân nhắc tính toán đến việc kẻ thêm 1 làn trên cao cho xe máy và xe thô sơ. Đồng thời, phân luồng buộc xe ôtô phải đi trên cao vì hiện tại lượng ôtô đi vẫn thưa thớt.

Trung tá Chu Văn Sỹ, Phó đội trưởng Đội cảnh sát giao thông số 3 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội). Ảnh: Tô Thế

Trước việc ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh – Láng, Trung tá Chu Văn Sỹ, Phó đội trưởng Đội cảnh sát giao thông số 3 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội), cho biết, hiện tại đơn vị vẫn đang tiếp tục bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại nút giao này và tiếp tục theo dõi để phối hợp với những đơn vị liên quan phân bổ giao thông một cách lợp lý.

"Chúng tôi cũng đã cùng các đơn vị bố trí lực lượng, đảm bảo 2 ca 4 kíp điều tiết giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở", Trung tá Chu Văn Sỹ nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn