MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 5) bên hông bệnh viện Chợ Rẫy bị trưng dụng giữ xe máy, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Ảnh: Minh Quân

Vỉa hè, lòng đường ở TPHCM sẽ được kẻ vạch, chia ô để cho thuê

MINH QUÂN LDO | 28/07/2023 06:00

TPHCM - Ở những vị trí vỉa hè rộng từ 3 m trở lên và lòng đường rộng trên 9 m sau khi dành tối thiểu 1,5 m bề rộng cho người đi bộ và hai làn ôtô cho một chiều sẽ được TPHCM kẻ vạch, chia ô để cho thuê.

Trường hợp được miễn và phải đóng phí

UBND TPHCM vừa ban hành quyết định mới về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn. Quyết định này quy định cụ thể các trường hợp được phép sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè.

Trên cơ sở này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đang xây dựng đề án “Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TPHCM”, dự kiến trình HĐND TPHCM thông qua và ban hành thực hiện trong năm 2023.

Dự thảo đề án của Sở GTVT quy định 6 hoạt động phải nộp phí: làm điểm trông giữ xe có thu phí; tổ chức các hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa; lắp đặt tạm thời các công trình tạm trong hành lang an toàn giao thông.

Mức thu phí dao động từ 20.000 - 350.000 đồng/m2/tháng, tùy mục đích sử dụng và khu vực sử dụng. Khu vực thu phí cao nhất khi sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh là 100.000 đồng/m2/tháng và sử dụng lòng đường để trông giữ ôtô, xe máy và xe đạp là 350.000 đồng/m2/tháng.

Khu vực 1 (Quận 1, 3, 4, 5,10, Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Khu vực 2 (Quận 2 cũ trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm, 6, 7 - trừ Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân). Khu vực 3 (Quận 9 và Thủ Đức cũ, 8, 12, Tân Phú, Gò Vấp). Khu vực 4 (Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi). Khu vực 5 (Cần Giờ).

Sở GTVT thống kê có hơn 600 tuyến đường rộng trên 9 m nếu cho thuê để trông giữ xe sẽ thu được 550 tỉ đồng mỗi năm.

Đồng thời, 1.143 tuyến đường có vỉa hè rộng từ 3 m trở lên cho thuê để kinh doanh sẽ thu được hơn 971 tỉ đồng mỗi năm.

Vỉa hè đường Phan Chu Trinh - đối diện chợ Bến Thành (Quận 1) bị chiếm làm điểm giữ xe máy. Ảnh: Minh Quân

Các trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè được miễn thu phí gồm: tổ chức đám cưới, đám tang và điểm trông giữ xe phục vụ đám cưới, đám tang; sử dụng tạm để trông giữ xe phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị; công trình phục vụ công tác tổ chức giao thông; công trình tạm phục vụ tuyên truyền cổ động chính trị, tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông; xe đang phục vụ các hoạt động cộng đồng; xe của gia đình hộ kinh doanh (tự quản),…

Kẻ vạch, chia ô để nhận biết khu vực cho thuê

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, Sở đã nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nơi và đã khảo sát mức độ sẵn sàng chi trả của người dân thành phố để đưa ra mức phí cho thuê vỉa hè, lòng đường như trên.

Ông Lâm cho biết khi tổ chức cho thuê sẽ kẻ vạch, chia ô, lắp biển hiệu để nhận biết khu vực vỉa hè, lòng đường này đang cho thuê kinh doanh, giữ xe,... Đây cũng là cơ sở để phân biệt được vị trí vỉa hè, lòng đường đó kinh doanh hợp pháp hay không. Nếu khu vực đó không được cho phép nhưng bị lấn chiếm thì sẽ có chế tài nghiêm khắc theo quy định.

Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 5) bên hông bệnh viện Chợ Rẫy đang được cấp phép giữ xe máy. Ảnh: Minh Quân

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, "kinh tế vỉa hè" là một trong những yếu tố không thể thiếu ở những đô thị lớn như TPHCM. Tuy nhiên, việc cho thuê tạm vỉa hè, lòng đường cần hướng đến mục tiêu cải thiện, tổ chức lại không gian đô thị chứ không nên đặt nặng nguồn thu cho ngân sách.

Trong đó, việc hoạch định các chức năng như điểm kinh doanh, đi bộ, dừng đỗ, tiện ích công cộng, điểm giữ xe trên vỉa hè, lòng đường phải được tính trước và cần có sự đồng thuận của người dân mới có thể triển khai hiệu quả.

Cũng theo chuyên gia này, việc cho thuê vỉa hè, lòng đường cần giám sát chặt chẽ và minh bạch. “Nếu không minh bạch dễ dẫn đến tình trạng xin cho và tham nhũng. Bởi rất dễ xảy ra việc cho người này thuê, người kia thì không cho, người này tính giá rẻ, người kia tính mắc” – ông Sơn nói.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch Phát triển đô thị TPHCM, việc thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè nếu được triển khai kỹ lưỡng, có quy hoạch rõ ràng, công khai, minh bạch không chỉ giúp ổn định trật tự lòng lề đường mà còn tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tình trạng bát nháo, bảo kê hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên đề xuất việc áp dụng thu phí vỉa hè, lòng đường không nên đưa vào vội vàng một cách tràn lan, mà trước hết hãy làm thí điểm ở một số khu vực.

“Bài học của vỉa hè Quận 1 cách đây mấy năm chúng ta thấy rồi, làm rất mạnh nhưng mà cuối cùng không thành công. Do đó, phải điều tra kỹ từng khu vực một để chọn kịch bản triển khai hợp lý, hài hòa về lợi ích cho người dân ở khu vực đó” – ông Nguyên nói.

Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, khi HĐND TPHCM ban hành nghị quyết, UBND TPHCM sẽ quy định vỉa hè, lòng đường khu vực nào được cho thuê, thuê trong bao lâu và phương thức đăng ký thuê. TPHCM sẽ áp dụng công nghệ vào thu phí để minh bạch và phân chia rõ ràng nhiệm vụ cho từng đơn vị, quy định chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn