MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực vận tải đường thủy. Ảnh: Quý An

Xây dựng cầu đường sắt Đuống với vốn đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng

Quý An LDO | 22/07/2023 10:27

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) có mức đầu tư hơn 1.800 tỉ đồng đã chính thức được khởi công sáng 22.7.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh, đây là dự án thiết thực kết nối các cảng sông với thượng lưu sông Đuống.

"Đây là lần đầu tiên, cả 5 quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải triển khai đồng thời, khắc phục các khiếm khuyết trước đây, đặc biệt là giải quyết được kết nối đồng bộ" - Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu thi công chi tiết, khoa học, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công. Bên cạnh đó, huy động đủ máy móc, không xảy ra tiêu cực, lãng phí cũng như mong nhận được sự hỗ trợ tích cực của địa phương.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1009/QĐ-BGTVT ngày 26.7.2022. Trong đó, Ban quản lý dự án Đường sắt được giao làm chủ đầu tư.

Dự án được triển khai trên địa bàn các phường Thượng Thanh, Đức Giang quận Long Biên và thị trấn Yên Viên huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Dự án bao gồm nhiều hạng mục. Hạng mục cầu đường sắt và đường dẫn. Hạng mục này có điểm đầu khoảng Km9+075, điểm cuối khoảng Km10+075 (lý trình đường sắt hiện hữu); tổng chiều dài 1.000m; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5 m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1. Trong đó, cầu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép dài 280m, được xây dựng đảm bảo cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế là 80km/h.

Hạng mục đường hai đầu cầu đường sắt dài 720m là đường sắt cấp 2 - đường sắt lồng. Đường đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm; tốc độ thiết kế là 80 km/h.

Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn. Hạng mục có điểm đầu tại nút giao đầu cầu Đuống cũ trên đường Ngô Gia Tự, thuộc địa phận quận Long Biên. Điểm cuối tại nút giao giữa đường Hà Huy Tập với đường Phan Đăng Lưu, thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội. Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có phạm vi đầu tư bao gồm tuyến chính chiều dài khoảng 700m và nút giao hai đầu cầu; tim cầu cách tim cầu Đuống cũ khoảng 100m về phía hạ lưu (phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt).

Trong đó, cầu đường bộ vượt sông Đuống dài 382m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp hệ dây văng.

Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỉ đồng (trong đó chi phí GPMB giai đoạn 1 là 650,82 tỉ đồng).

Dự án được chia làm 2 gói thầu, gồm: Gói thầu cầu đường sắt Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (XL-CĐ-01); Gói thầu cầu đường bộ Đuống và đường dẫn 2 đầu cầu (XL-CĐ-02).

Sau thời gian khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã tiến hành ký hợp đồng xây lắp Gói thầu XL-CĐ-02 ngày 27.6.2023. Theo đó, Nhà thầu thi công gói thầu XL-CĐ-02 là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương – Công ty cổ phần cầu 14 – Công ty TNHH thiết bị xây dựng Nam Anh. Gói thầu XL-CĐ-01 dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết Hợp đồng trong qúy III/2023.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) khi hoàn thành sẽ từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, đảm bảo an toàn cho các phương tiện đường thủy; đảm bảo đường sắt lưu thông thông suốt, giảm thiểu ảnh hưởng đến vận hành, khai thác; tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để cải thiện điều kiện giao thông kết nối qua sông Đuống trên tuyến giao thông huyết mạch phía Bắc TP.Hà Nội, đảm bảo an toàn giao thông và tránh ùn tắc.

Bên cạnh đó, công trình còn góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, phân bổ luồng giao thông hợp lý giữa phía Bắc và Nam sông Đuống, thúc đẩy phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của thủ đô theo định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn