MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quần thể di tích đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc là địa điểm gần ga ngầm C9. Ảnh: Thế Bằng

Xây dựng ga đường sắt sát Hồ Gươm: Giải quyết triệt để các rủi ro trước khi triển khai

Đặng Tiến LDO | 02/04/2021 13:00
Nếu được chấp nhận xây dựng thì cuối năm 2021, công trình nhà ga ngầm C9 (ngay sát cạnh Đền Ngọc Sơn - Đền Bà Kiệu) sẽ phát hành hồ sơ mời thầu, đến giữa năm 2022 mới có thể thi công và sau 36 tháng sẽ hoàn thành. Nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, chưa cần thiết xây dựng nhà ga C9 vì tốn kém và ảnh hưởng đến các công trình di sản phía trên.

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với TP.Hà Nội chiều 28.3, Chủ tịch Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chấp thuận vị trí nhà ga ngầm C9 ngay sát Hồ Gươm (thuộc dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) theo đúng dự án đầu tư và quy hoạch giao thông đã được phê duyệt. Đồng thời, giao TP.Hà Nội chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng thống nhất các yếu tố, điều kiện về kỹ thuật chạy tàu, yêu cầu của Luật Di sản Văn hóa để xác định cụ thể phạm vi, các yêu cầu của lối lên, xuống và các yêu cầu về kỹ thuật khác để thiết kế, hạn chế ít nhất ảnh hưởng đến di tích lịch sử quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm.

Với đề xuất giữ nguyên vị trí như quy hoạch và thiết kế ban đầu, vị trí, thiết kế nhà ga ngầm C9 và tuyến ngầm Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cơ bản nằm trong vùng phụ cận, có một phần thân ga C9 và công trình phụ trợ nằm trong ranh giới khu vực bảo vệ (dưới ngầm) của Di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Đây là yếu tố khiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trước đó đã có văn bản đề nghị UBND TP.Hà Nội nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga C9 và các công trình phụ trợ, bảo đảm không gây ảnh hưởng bất lợi đối với khu vực bảo vệ các di tích.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS-TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia - cho rằng, chúng ta nên giải quyết vấn đề triệt để để không có rủi ro nào dù là nhỏ nhất cho di sản quốc gia đặc biệt là không gian văn hoá Hồ Gươm. Đây là não thuỷ của Thủ đô và của cả nước.

Trước đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên xây dựng nhà ga C9 mà nên kéo dài nhà ga C8, kéo lùi lại nhà ga C10 và khu vực phố cổ là không gian đi bộ. Việc đào phía dưới sẽ ảnh hưởng tới các di sản văn hoá phía trên và cũng chưa thể lường trước những bất an trong quá trình đào hầm.

Liên quan đến vấn đề này, Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - ông Lê Trung Hiếu - cho hay, việc bỏ ga C9 sẽ phải lái ống hầm đường sắt sang phía đê sông Hồng đoạn phố Trần Nhật Duật và như vậy sẽ không hiệu quả về mặt công năng sử dụng khai thác. Trong khi đó, với công nghệ đào hầm của Đức là công nghệ tiên tiến nhất thế giới, các nước phát triển đều áp dụng công nghệ này.

Ông Hiếu cũng cho rằng, nếu nói về mức độ ảnh hưởng ở trên thì không thể không có ảnh hưởng, nhưng bài toán nào cũng có phương án, giải pháp cụ thể nếu tuyệt đối an toàn thì phải đầu tư nhiều, ở mức độ chấp nhận được chi phí giảm đi. Cụ thể, việc thi công tuyến Nhổn - ga Hà Nội hiện chỉ có 1 nhà bị ảnh hưởng vì trước đó đã xây dựng trái phép, móng cọc sâu chọc thẳng vào ống hầm. Từ khi hình thành hệ thống đường sắt đô thị (10 năm) nếu quản lý tốt không để xảy ra trường hợp xây dựng trái phép thì việc thi công ống hầm không ảnh hưởng đến công trình phía trên.

Theo ông Hiếu, đường sắt đô thị có ưu thế đi nhanh và đi một mình một đường, không ô nhiễm môi trường và tiếng ồn nên cần phải đưa vào vùng lõi. Tại các nước tiên tiến, người ta cũng để những ga ngầm nằm dưới chân di sản và điều này đã mang lại hiệu quả trong việc thu hút du khách.

Cùng đó, nhu cầu của người dân là phải đi vào khu trung tâm để tham quan, mua sắm. Nếu không có nhà ga tiệm cận, người dân sẽ sử dụng các phương tiện cá nhân khác, mất đi tính tổng quan và lợi thế của đường sắt đô thị.

Cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến người dân

Thông tin nhà ga đường sắt nằm sát với các di tích lịch sử đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm đang gây nhiều tranh cãi. Ghi nhận của PV Báo Lao Động, nhiều người dân sống quanh khu vực và khách du lịch tỏ ra rất băn khoăn về phương án này, cũng như lo ngại nhà ga có thể ảnh hưởng lớn đến cảnh quan di tích.

Đặc biệt với đề xuất giữ nguyên vị trí của UBND TP.Hà Nội, đường hầm đường sắt sẽ chạy dưới lòng đất chỉ cách chân Tháp Bút khoảng 1m, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Riêng vị trí ga chính đường sắt C9 được bố trí ngầm ngay dưới phố Đinh Tiên Hoàng, thân ga cách Tháp Bút 36m, khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83m.

Ông Dương Văn Trường - sống tại phố Lò Sũ - chia sẻ: “Xây ga là một việc cần thiết, tuy nhiên việc đặt ga gần với di tích thì tôi vẫn hơi băn khoăn nhưng thành phố nào cũng cần có những công trình giao thông tốt thì mới phát triển được. Tôi tin là nhà nước sẽ có phương án phù hợp”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Măng - trú tại phố Hàng Dầu - nói: “Tôi có nghe về thông tin này từ khá lâu rồi. Nhưng theo tôi, khi làm phải có phương án phù hợp, phải lựa chọn những nhà thầu thật kỹ càng để đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, phương án cần đánh giá việc làm đường hầm và nhà ga có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong khu vực. Phương án cũng cần phải tính toán và công bố rộng rãi thông tin là người dân có phải giải tỏa di dời khi thực hiện dự án hay không và giải pháp thi công dự án như thế nào để tránh ảnh hưởng đến khu di tích”.

Ngoài ra, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, việc hướng tuyến đường sắt và vị trí nhà ga ngầm đang làm cho người dân đặt ra nhiều câu hỏi, đặc biệt là việc liệu nhà ga ngầm này có phá vỡ cảnh quan của một địa điểm du lịch mang tính biểu tượng của Hà Nội. Thế Bằng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn