MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có đề xuất tăng giá vé xe buýt sau gần 10 năm. Ảnh: Transerco.

Xe buýt Hà Nội chia sẻ sau đề xuất tăng giá vé của Sở GTVT

TRÍ MINH LDO | 18/10/2023 14:58

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (Sở GTVT) vừa có đề xuất tăng giá vé xe buýt sau gần 10 năm.

Cụ thể, mới đây, Sở GTVT đã có đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính chủ trì thẩm định phương án điều chỉnh giá vé xe buýt trong tháng 12 và bắt đầu áp dụng mức giá mới từ ngày 1.1.2024.

Theo đề xuất của Sở GTVT, với cự ly di chuyển dưới 15km, giá vé xe buýt điều chỉnh từ 7.000 lên 8.000 đồng. Với cự ly 15-25km, giá vé tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng. Từ cự ly 30k - 40km, mức tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng. Với cự ly trên 40km, giá vé tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng.

Với vé tháng, Sở GTVT Hà Nội đề xuất mức tăng vé một tuyến dành cho học sinh, sinh viên, công nhân tăng từ 55.000 đồng lên 70.000 đồng, vé liên tuyến từ 100.000 đồng lên 140.000 đồng.

Ngày 18.10, trao đổi với PV Báo Lao Động, phía truyền thông của Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) - một đơn vị chiếm thị phần lớn xe buýt ở Hà Nội - không đưa ra bình luận về động thái đề xuất tăng giá vé xe buýt của Sở GTVT.

Theo thông tin từ Transerco, qua 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng hành khách Tổng Công ty vận chuyển tăng 42% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, sản lượng khách vé lượt tăng 19%, sản lượng khách vé tháng tăng 49%).

Chất lượng dịch vụ xe buýt có chuyển biến tích cực, nhóm chỉ tiêu đánh giá chất lượng dịch vụ được cải thiện tốt, công tác điều hành sản xuất kinh doanh tại các đơn vị được kiểm soát ổn định.

Công tác hợp lý hóa luồng tuyến cũng được đẩy mạnh: 28 tuyến buýt được điều chỉnh biểu đồ hoạt động cho phù hợp với điều kiện vận hành và nhu cầu đi lại của hành khách; 68 điểm dừng đỗ xe buýt bị hư hỏng, mất an toàn giao thông đã được phối hợp khắc phục, xử lý. Điều chuyển hợp lý hóa 4 tuyến buýt từ Xí nghiệp Xe khách Nam sang các đơn vị trực thuộc khác.

Trong các tháng cuối năm 2023, Transerco cho biết, đối với công tác quản lý và sử dụng lao động, các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyển dụng và có các giải pháp hiệu quả nhằm giữ chân người lao động.

Tiếp tục khảo sát, đề xuất hợp lý hoá lộ trình, tránh các điểm ùn tắc, tăng kết nối và mở rộng vùng phục vụ; đề xuất khắc phục tồn tại, bất cập tại các điểm dừng để tạo thuận tiện cho hành khách và bảo đảm điều kiện cho xe buýt hoạt động.

Các đơn vị khai thác bến xe tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp vận tải để có giải pháp thu hút hơn nữa hành khách sử dụng dịch vụ tại bến; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý tăng cường xử lý nạn xe dù, bến cóc...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn