MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe dù bắt khách tại khu vực cầu bộ hành trước Khu du lịch Suối Tiên (thành phố Thủ Đức). Ảnh: Minh Quân

Xe dù, bến cóc lộng hành khiến bến xe lớn nhất nước lâm cảnh ế ẩm

MINH QUÂN LDO | 14/09/2023 06:15

TPHCM – Sau 3 năm hoạt động, Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) hiện chỉ khai thác 3% công suất do bị "xe dù, bến cóc" bủa vây.

Biến cây xăng thành "bến cóc"

Sau 8 tháng cấm xe giường nằm vào nội đô từ 6h – 22h, hàng loạt nhà xe đang hoạt động tại TPHCM đã chọn các trạm xăng, bãi giữ xe, khu vực đất trống để đón khách, hoặc trá hình thành xe hợp đồng để qua mặt lực lượng chức năng.

Theo ghi nhận ngày 13.9, Quốc lộ 1 (từ ngã tư Bình Phước) và Xa lộ Hà Nội (từ khu du lịch Suối Tiên) hướng về Bến xe Miền Đông mới có hàng loạt "bến cóc" bủa vây.

Đơn cử như trạm xăng dầu Tam Bình 2 (phường Tam Bình – đối diện chợ đầu mối nông sản Thủ Đức) dù được đặt biển "Nghiêm cấm xe khách dừng đón, rước khách tại đây", nhưng hằng ngày nhiều xe khách vẫn đón khách ngay biển cấm này. Bên trong trạm xăng thường xuyên có 4 - 5 xe khách đậu sẵn để đón khách và bốc xếp hàng hóa. Không khí bắt khách, chuyển đồ vào xe diễn ra náo nhiệt không khác gì bến xe.

Xe khách ra vào cây xăng Tam Bình 2 để đón khách, gây cản trở giao thông. Ảnh: Minh Quân
Xe khách chờ đón khách trong cây xăng Tam Bình 2. Ảnh: Minh Quân

Còn tại khu vực cầu bộ hành trước Khu du lịch Suối Tiên (thành phố Thủ Đức) có rất đông khách được các nhà xe hẹn đón tại đây. Các xe này chạy ngang qua chỉ dừng khoảng 1-2 phút và hối thúc người dân lên xe nhanh vì sợ bị xử phạt. “Tôi được hẹn lại đây để xe đón, qua điện thoại nhà xe nhắc phải đến sớm chuẩn bị sẵn đồ đạc, xe tới là lên nhanh chứ không dừng lâu được” – chị Hạnh (45 tuổi) đón xe về Khánh Hòa chia sẻ.

Theo Sở GTVT TPHCM, trong 8 tháng năm 2023, Thanh tra giao thông đã phát hiện và lập biên bản 2.383 trường hợp vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô với số tiền xử phạt gần 3,6 tỉ đồng. Trong đó, xử phạt trực tiếp 684 trường hợp với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng và xử phạt qua hình ảnh 1.699 trường hợp với số tiền gần 2,1 tỉ đồng.

Cần sớm cấm hẳn xe giường nằm vào nội đô

Việc xe dù, bến cóc lộng hành là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự ế ẩm của Bến xe Miền Đông mới có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỉ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Huy - Giám đốc Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức), cho biết từ khi đưa vào khai thác tháng 10.2020, số chuyến hoạt động tại bến chỉ đạt gần 3% công suất hoạt động đã được Sở GTVT TPHCM công bố.

Bến xe Miền Đông mới hiện chỉ hoạt động 3% công suất sau 3 năm khai thác. Ảnh: Minh Quân

Lãnh đạo Bến xe Miền Đông mới cho biết, tình trạng phương tiện tổ chức đón khách trước và khu vực xung quanh bến, dọc các tuyến đường Quốc lộ 1, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13 và đặc biệt tại các trạm xăng, bãi giữ xe, khu vực ngã tư Bình Phước, ... ngày càng phức tạp.

Một số đơn vị vận tải hoạt động vận chuyển hành khách theo tuyến cố định trước đây chuyển sang hoạt động loại hình vận chuyển hành khách theo hợp đồng hoặc chuyển loại xe ghế ngồi để không bị ảnh hưởng bởi quy định hạn chế xe giường nằm vào TPHCM để đón trả khách sai quy định. Từ các điểm đón trả khách sai quy định hoặc từ bến xe khác, các đơn vị này lợi dụng hành trình đi ngang Bến xe Miền Đông mới để đón trả khách khu vực trước bến ngày càng nhiều.

Ông Nguyễn Hoàng Huy cho rằng, TPHCM nên sớm tính toán, tiến đến cấm xe khách giường nằm vào nội đô 24/24 giờ. Bên cạnh đó, Sở GTVT TPHCM cần lắp đặt bổ sung biển cấm xe giường nằm trên đường song hành Xa lộ Hà Nội để bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế tình trạng đón, trả khách không đúng quy định.

Ông Đỗ Ngọc Hải - Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT TPHCM) cho biết, Sở đã xây dựng phương án cấm xe giường nằm vào nội đô 24/24h, đang lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Ban An toàn giao thông TPHCM, Công an Thành phố và một số doanh nghiệp, hiệp hội để có đánh giá tổng thể trước khi trình UBND TPHCM quyết định.

Tuy nhiên, ông Hải nhận định việc hạn chế xe giường nằm 24/24h cũng chỉ là một trong các giải pháp xử lý xe dù, bến cóc. Song song đó, các cơ quan chức năng như công an, thanh tra giao thông cần quyết tâm hơn, siết chặt kỷ cương, xử lý vi phạm; đồng thời tuyên truyền để doanh nghiệp tuân thủ các quy định về hoạt động vận tải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn