MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vé xe được thiết kế như một bản hợp đồng giữa hành khách và nhà xe.Ảnh: P.V

Xe "dù" đội lốt xe hợp đồng vẫn "đại náo" các cung đường: Thời xe hợp đồng lên ngôi (?!)

Nhóm PV bạn đọc LDO | 15/09/2017 20:00
Không chỉ đón trả khách vô tội vạ, ảnh hưởng mỹ quan và trật tự đô thị, mánh khóe thường thấy của các nhà xe hợp đồng trá hình là bán vé nhưng giao… hợp đồng. Cụ thể, nhân viên nhà xe có thể đề nghị khách ký khống vào một bản giao kèo soạn sẵn hoặc in vé theo cung cách của một bản hợp đồng.

Về quê, ký hợp đồng du lịch

Có thể thấy ở thời điểm hiện tại, hầu hết các tỉnh thành phía Bắc đều có loại xe khách núp bóng xe hợp đồng đi về Hà Nội. Đông đảo và nhộn nhịp nhất phải kể đến các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định… và một số tuyến đường thường được lựa chọn để các nhà xe này mở văn phòng gồm Giải Phóng, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng, công viên Thủ Lệ…

Qua khảo sát thực tế, phần lớn các xe này đều có chung cách thức hoạt động là không cần ra vào bến mà chọn điểm đỗ tại các ngõ ngách, nhà riêng, các điểm du lịch, bãi xe… Khi có khách, các phương tiện chạy vòng vo trong thành phố đón trả theo yêu cầu thông qua việc cung cấp danh thiếp và số điện thoại tổng đài. Thậm chí, cũng có nhà xe “chịu chơi” đưa xe con loại 7 chỗ đi gom khách trong nội thành rồi sau đó mới quay về điểm tập kết để lên đường. Bên cạnh đó, văn phòng đại diện của các nhà xe cũng biến tướng thành bến “cóc” để công khai bán vé, tập kết hàng hóa…

Để tận mắt chứng kiến những mánh khóe lách luật nhằm qua mắt lực lượng chức năng, nhóm PV Báo Lao Động đã lên thực tế trên nhiều chuyến xe chạy từ Hà Nội đi các tỉnh. Tại tuyến Hà Nội - Thái Nguyên, nhà xe Hà Lan là cái tên được lựa chọn. Với nhà xe này, cứ sau mỗi 30 phút lại có một xe Limousine 9 chỗ ngồi (là loại xe cải biến từ dòng Ford “cá mập” 16 chỗ) lăn bánh, bắt đầu hành trình lòng vòng “vợt” khách tại các địa chỉ đã quy định trước. Khi lên xe, nhân viên của xe khách Hà Lan sẽ đưa cho hành khách một bản hợp đồng và chỉ chỗ cho chúng tôi ký vào, hỏi thì được giải thích là chỉ cần ký vào vì đó là quy định của công ty.

Theo đó, đây là hợp đồng vận chuyển hành khách được công ty soạn sẵn với một số chỗ trống để điền vào. Hợp đồng này được đi kèm với một giấy ủy quyền và danh sách khách hàng cũng được công ty soạn sẵn, tuy nhiên các phần thông tin cụ thể đều được bỏ trống.

Tương tự, nếu khách muốn đi tuyến Hà Nội - Thanh Hóa và ngược lại thì những nhà xe như Vĩnh Quang, Đại Nam, Vân Anh… là những cái tên luôn sẵn sàng phục vụ 24/7 với các dịch vụ được quảng cáo là “siêu” thuận tiện. Theo những thông tin mà các nhà xe cung cấp, giá vé xe Limousine (9 chỗ) là từ 160.000 - 180.000 đồng/khách do tùy thuộc vào ghế ngồi, xe Sedona (7 chỗ) là 200.000 đồng/khách với tần suất 1h/chuyến. Khi lên xe, hành khách cũng phải ký vào một tờ giấy đã được nhà xe chuẩn bị trước đó cho giống với đi xe hợp đồng nhằm qua mặt các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra.

Không ký “hợp đồng”… vẫn đi

Tuy nhiên, không phải nhà xe nào cũng cần phải cầu kỳ như vậy. Khi lên xe, hành khách chỉ cần đưa trực tiếp số tiền mà nhà xe đã niêm yết trước đó cho phụ xe là xong. Khách đi xe không phải làm bất cứ một thủ tục gì, rất nhanh chóng và thuận tiện. Lần này, trong vai một hành khách có nhu cầu đi Nam Định, nhà xe mà PV chọn là nhà xe Long Giang.

Theo quan sát, trước cửa văn phòng nhà xe Long Giang (nằm tại địa chỉ 325 đường Trường Chinh, Hà Nội) không hề có biển hiệu cho thấy đây là một công ty xe khách hay xe chở hợp đồng. Khi PV hỏi mua vé, nhân viên ở đây cho hay khách không cần mua vé, chỉ cần lên xe rồi trả tiền, giá vé là 100.000 đồng/người/lượt. Đến hơn 12h, một chiếc Limousine 9 chỗ, màu đen mang BKS 29B-180.46 di chuyển tới trước cửa văn phòng để đón khách đi Nam Định.

Trên xe, tài xế B.V.B. (quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) - người có 3 năm kinh nghiệm lái xe tại công ty - cho biết, mỗi ngày trung bình anh chạy khoảng 4 lượt cả đi lẫn về, sẽ được 300.000đ. Nếu chạy đủ 4 chuyến thì được công ty hỗ trợ thêm 30.000 đồng tiền ăn trưa. Hiện tại, nhà xe có 20 chiếc xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Nam Định và không xe nào phải vào bến. Bên cạnh những chiếc Limousine, công ty còn đầu tư thêm cả những chiếc xe Sedona 7 chỗ để đón khách ở các điểm do công ty quy định. Xe chỉ trả khách ở trong khu vực TP. Nam Định, không trả khách xuống huyện. Những hành khách ở các huyện, sẽ được dừng đỗ ở Trung tâm thương mại Big C, sau đó tự bắt xe về nhà.

Theo tính toán, với lịch trình một xe chạy 4 chuyến/ngày, mỗi ngày Công ty Long Giang xuất bến khoảng 80 chuyến xe cả hai đầu Hà Nội và Nam Định. Trong hàng chục chuyến xe này, tất cả các chuyến xe chở khách lẻ được công ty sử dụng xe Limousine trá hình để qua mặt các cơ quan chức năng.

Qua trò chuyện được biết, hầu hết những hành khách này đều đang trên đường về quê, một số người vừa đi khám bệnh về. Tuy nhiên, thay vì tới các bến xe mua vé tuyến cố định, họ thường đến các điểm chờ gần nhất theo chỉ dẫn của nhà xe để chờ đợi. Theo lý giải, cái lợi của của cách đi này là nhanh hơn, thuận lợi hơn, họ chấp nhận giá vé cao thay vì phải chen lấn xô đẩy…

Đủ chiêu biến ảo

Trước đó, Báo Lao Động đã nhiều lần phản ánh về thực trạng xe “dù” đội lốt xe hợp đồng “đại náo” các cung đường Hà Nội. Sau khi báo đăng, lực lượng chức năng bắt đầu “để mắt” nhiều hơn đến những chiếc xe “dù” loại Limousine 9 chỗ thì các nhà xe nhanh chóng chuyển sang một hình thức khác. Lần này, họ sử dụng những chiếc xe gia đình loại 7 chỗ thông thường.

Theo lý giải, đối với loại xe Sedona 7 chỗ mà các nhà xe đưa vào sử dụng này, vì nó rất giống xe cá nhân của các gia đình, không có biển hiệu hay phù hiệu gì, việc chở khách từ Hà Nội đi các tỉnh rất dễ qua mặt lực lượng kiểm tra mà không hề bị phát hiện. Các lái xe cũng cho biết, nếu có kiểm tra thì họ có thể giải thích là xe cá nhân, xe đi gia đình…

(Còn nữa)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn