MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe hợp đồng nhưng chạy tuyến cố định, thu tiền "tươi" của khách hàng. Ảnh Nhóm PV

Xe hợp đồng trá hình" tuyến cố định: Công an, Thanh tra giao thông ở đâu?

NHÓM PV LDO | 14/07/2022 10:43

Liên quan đến việc xe hợp đồng "trá hình" tuyến cố định, Đại biểu Quốc hội chỉ rõ, luật pháp đã có quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải của xe hợp đồng, song các cơ quan chức năng đã xử lý chưa nghiêm khiến những phương tiện này vô tư lộng hành.

Mới đây, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh liên quan đến hoạt động xe hợp đồng trá hình chạy tuyến cố định nở rộ trong thời gian gần đây.

Các quy định về hoạt động của xe hợp đồng rất cụ thể, song những phương tiện này “bất chấp” luật pháp, ngang nhiên qua mặt các cơ quan quản lý để tung hoành.

Vì không vào các bến xe, nên những nhà xe phải tự lập bến cóc ở công viên, rạp xiếc… hay chính văn phòng đại diện tại Hà Nội để đón trả khách nhanh chóng, thuận lợi nhất có thể.

Rất nhiều lượt xe limousine 11 chỗ ra vào Thủ đô mỗi ngày, lập “bến cóc” đón trả khách như chỗ không người. Trong khi đó, cơ quan chức năng có thẩm quyền gần như vắng bóng để mặc cho nhà xe tự tung tự tác...

Trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian gần đây, nhiều phương tiện “núp bóng” xe hợp đồng, dịch vụ nhưng lại chạy tuyến cố định diễn ra tại các thành phố lớn đi các địa phương lân cận.

Thực trạng này diễn ra đã lâu, “bến cóc, xe dù” đã gây xáo trộn trong quản lý giao thông vận tải, hành khách trên cả nước. Từ đó, gây mất trật tự an toàn giao thông.

“Mặt khác, việc vận hành của những phương tiện này nhiều khi đến không ai biết, đi không ai hay gây thiệt hại ngân sách Nhà nước”- Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà nói. 

Để xảy ra tình trạng trên, vị Đại biểu Quốc hội này cho rằng có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt là ngành GTVT, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương trong chuyện quản lý xe, đưa đón khách không đăng ký, không làm nghĩa vụ ngân sách nhà nước.

Theo ông Hoà, các cơ quan quản lý lúc nào cũng báo cáo thường xuyên xử lý, nhưng ở ngay trước mặt lại không xử lý được, không xử lý nghiêm, để kéo dài hoặc việc xử lý chỉ như “bắt cóc, bỏ đĩa”, không triệt để khiến các nhà xe ngang nhiên hoạt động.

“Thời gian tới, cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt, hoặc thẳn thắn nhìn lại xem có khó khăn, vướng mắc ra sao để đề xuất tháo gỡ. Nếu còn xảy ra tình trạng trên phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, ở đây là những đơn vị như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương”- Đại biểu Quốc hội này nhấn mạnh. 

Bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, nhiều phương tiện dưới danh nghĩa xe hợp đồng, nhưng chạy tuyến cố định ra vào thủ đô mỗi ngày như vậy đã diễn ra từ lâu. Mấu chốt để xảy ra vấn đề này là trách nhiệm của cơ quan quản lý.

“Ở đây không phải là cây kim, mà là cả một xe ôtô 11 chỗ. Xe thì không chỉ đứng im, còn bến đỗ và chạy trên đường. Tại sao sự việc này diễn ra từ lâu, quy định pháp luật về quản lý phương tiện này đã rõ ràng, nhưng vẫn không xử lý triệt để?”- bà An đặt câu hỏi.

Bà An cho rằng cơ quan quản lý cần xem xét có khó khăn, vướng mắt ở đâu mà chưa quản lý được hiệu quả. Bên cạnh đó, dưới sự phát triển của công nghệ, nguyên Đại biểu Quốc hội này cho rằng nên áp dụng chúng vào trong việc quản lý.

"Điều này vừa không tốn sức người, vừa đảm bảo được sự minh bạch, tăng cường kiểm soát chặt chẽ. Từ đó, đảm bảo các phương tiện này hoạt động chuẩn chỉ như đã quy định, không gây thất thoát thuế cho nhà nước"- bà An nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn