MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầu hết xe tải, xe container đi vào cao tốc TPHCM - Trung Lương vì bỏ thu phí.

Xe tải tràn vào cao tốc TPHCM - Trung Lương: Gây ùn tắc, xuống cấp

Huân Cao LDO | 16/04/2019 19:00

Từ khi tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương ngưng thu phí, một lượng lớn xe tải nặng và xe container đã tràn vào tuyến cao tốc này. Vì vậy, dẫn đến tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương thường xuyên ùn tắc, quá tải, gây ra nguy cơ mất an toàn và xuống cấp nhanh hơn.

Xe tải và xe container tràn vào cao tốc gây ùn tắc.

Từ TPHCM đi Tiền Giang có 3 trục đường chính là QL1, QL50 và cao tốc TPHCM - Trung Lương. Trong thời gian thu phí, lượng xe đi cao tốc chủ yếu là ôtô con và ô tô khách, phần lớn xe tải, xe container đi tuyến QL1 và QL50 để tránh đóng phí. Tuy nhiên, khi tuyến cao tốc trên ngừng thu phí từ ngày 1.1.2019, một lượng lớn xe tải và xe container đã tràn vào cao tốc thay vì đi QL1 và QL50 như trước.

Tài xế xe du lịch Nguyễn Văn Hiếu lo lắng khi lượng xe tải quá nhiều, gây nên ùn tắc và nguy cơ mất an toàn khi đi trên cao tốc này. "Trước đây, đi cao tốc thường chạy 100-120/km do chỉ có xe con và xe du lịch. Hiện nay, lượng xe tải quá nhiều, lại thường chạy tốc độ 60km/h và đi trên tất cả làn đường theo kiểu dàn hàng ngang, buộc tôi phải giảm tốc đột ngột vì đang chạy 120km/h", anh Hiếu nói.

Lượng xe tải tăng cao thường gây ra ùn tắc trên cao tốc.

Nên phân luồng xe tải đi vào QL1 để giảm tải

PV Báo Lao Động đã có chuyến trải nghiệm thực tế trên tuyến cao tốc TPHCM. Theo ghi nhận của PV, tại ngã 3 Trung Lương (lối dẫn vào cao tốc và QL1A), phần lớn các xe tải và xe container không đi theo lối rẽ vào QL 1A như trước mà chuyển sang đi cao tốc. 

Trong suốt hành trình đi trên cao tốc, PV bắt gặp nhiều xe tải và xe container chạy với tốc độ 60km/h, án ngữ trên cả 3 làn đường, buộc những xe ôtô chạy theo sau phải giảm tốc và nối đuôi theo.

Trao đổi với PV báo Lao Động, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, cần có biện pháp phân luồng phương tiện hoặc hạn chế xe tải nặng trên cao tốc TPHCM - Trung Lương.

"Với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, cao tốc nên dành ưu tiên cho các phương tiện chở người, còn phương tiện chở hàng hóa thì nên đi theo QL1 chạy song song với cao tốc. Nếu để xe tải, xe container đi cao tốc chỉ cho phép đi 1 làn đường sát về phía lề phải, các làn còn lại dành cho xe ôtô chở khách" - PGS Tôn Nữ Quỳnh Trân nói.

 Hai chiếc xe tải chạy song song với vận tốc 60km/h, buộc các xe ô tô con chạy vận tốc 120km/h phải giảm tốc nối theo sau.

Cần thêm nhiều kinh phí để bảo trì vì nhanh xuống cấp.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Xuân Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV (Cục IV) là đơn vị quản lý cao tốc TPHCM - Trung Lương xác nhận, từ ngày ngưng thu phí, lượng xe tải, xe container đi vào cao tốc tăng cao, nên xảy ra hiện tượng ùn tắc, quá tải và ảnh hưởng đến sự xuống cấp. 

"Các loại xe tải, xe container không đi QL1A như trước mà hầu hết đi vào tuyến cao tốc. Số liệu lưu lượng xe lưu thông qua tuyến cao tốc sau khi tạm dừng thu phí như sau: Trạm Chợ Đệm 50.571 xe/ngày đêm, trạm Thân Cửu Nghĩa 47.365 xe/ngày đêm (tăng 31%) so với thời điểm thu phí. Tốc độ lưu thông trung bình hiện tại đã giảm xuống còn 60-70km/h, trong khi tốc độ trung bình trước khi dừng thu phí là 100km/h." - lãnh đạo Cục IV cho biết.

 Lượng xe tải nặng nhiều gây nguy cơ xuống cấp nhanh tuyến đường.

Theo Cục IV, do xe tải đi vào nhiều và để đảm bảo an toàn giao thông, từ ngày 1.2.2019 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã điều chỉnh tốc độ tối đa trên cao tốc TPHCM - Trung Lương từ 120km/h xuống 100km/h. 

"Việc hạn chế hoặc cấm các loại xe tải, xe container đi vào cao tốc TPHCM - Trung Lương là khó, sẽ để tạo phản ứng trái chiều và không đồng thuận từ xã hội. Để đảm bảo sự lưu thông êm thuận an toàn và hạn chế sự xuống cấp, thì tuyến đường cần có sự ưu tiên kinh phí đầu tư bảo trì, sửa chữa nhiều hơn so với trước đây", đại diện Cục IV nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn