MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xem xét đặt mới, đổi tên 47 tuyến đường tại TPHCM

NGUYỄN HỮU HUY LDO | 27/06/2020 10:25
Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM vừa gửi UBND thành phố tờ trình về việc đặt mới, đổi tên 47 tuyến đường trên địa bàn.

Theo đó, 12 thành viên Hội đồng đặt, đổi tên đường thành phố đã họp về việc đặt, đổi tên cho 47 tuyến đường.

Cụ thể, 47 tuyến đường được đề xuất đặt, đổi tên lần này nằm ở các quận 2, 3, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh và Củ Chi.

Trong đó, tuyến đường ven hồ hơn 3,2 km ở quận 2 được đề xuất lấy tên nhà thơ Tố Hữu. Đường Phan Văn Hân, đoạn từ đường Trường Sa đến Nguyễn Cửu Vân (quận Bình Thạnh) lấy tên giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc Trần Văn Khê.

Trong 47 tuyến đường đổi, đặt mới lần này đã có 44 tên đường nằm trong Quỹ tên đường của TPHCM. Trong đó đường Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) và Lê Thị Truyền, Phan Thị So (hai Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, đặt tên đường ở huyện Củ Chi) vừa được bổ sung vào quỹ tên đường đợt này.

Đa số thành viên Hội đồng đặt, đổi tên đường thành phố đồng ý phương án đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng dài 947 m (lộ giới 30 m) từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) thành đường Lê Văn Duyệt.

Đường Đinh Tiên Hoàng dài 947 m từ cầu Bông đến đường Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh) được đề xuất đổi tên thành đường Lê Văn Duyệt. Ảnh: Nguyễn Hữu Huy

Theo tờ trình, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã nêu ra các lý do cho đề xuất đặt tên đường Lê Văn Duyệt. Trong đó, tránh việc trùng tên đường trong cùng một quận bởi trên địa bàn quận Bình Thạnh hiện nay ngoài đoạn đường Đinh Tiên Hoàng này còn có đường Đinh Bộ Lĩnh.

Ngoài ra, trục đường này có di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, hay còn được gọi là Lăng Ông - Bà Chiểu (tức là "Lăng Ông ở Bà Chiểu").

Tả quân Lê Văn Duyệt có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, bảo vệ vùng đất phía Nam và người dân miền Nam. Hai lần làm Tổng trấn thành Gia Định dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, Lê Văn Duyệt góp phần khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam.

Xung quanh khu lăng Lê Văn Duyệt có các đường mang tên các vị quan triều Nguyễn như Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Võ Trường Toản, Bùi Hữu Nghĩa. Việc đặt tên Lê Văn Duyệt sẽ tạo thành cụm danh nhân thời Nguyễn, giúp người dân dễ nhớ, dễ tìm. Đây cũng là cách đặt tên đường khuyến khích người dân tìm hiểu lịch sử, văn hoá.

Việc đổi tên đường đã được UBND quận Bình Thạnh lấy ý kiến các tổ chức chính trị, xã hội, chuyên gia, người dân và nhận được sự đồng thuận. 

Đoạn đường Đinh Tiên Hoàng từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu nằm trọn trên hai phường 1 và 3 (quận Bình Thạnh), nên việc đặt tên đường Lê Văn Duyệt không làm thay đổi số nhà.

Được biết hiện nay tại các tỉnh thành phía Nam có ít nhất 12 địa phương đã đặt tên đường Lê Văn Duyệt, bao gồm: Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bạc Liêu, Bình Phước, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang (TP.Mỹ Tho và thị trấn Cái Bè), Bình Dương (thị trấn An Thạnh và Lái Thiêu).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn