MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường một vụ tai nạn đường sắt xảy ra trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vào sáng ngày 10.1.2024 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Trường

Xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

NGUYỄN TRƯỜNG LDO | 20/03/2024 18:47

Ninh Bình - Mặc dù chỉ dài 21,6km, tuy nhiên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình lại đang tồn tại nhiều đường ngang, lối đi tự mở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Ninh Bình có chiều dài 21,6km (từ km113+400 - km135+000) với 1 ga hành khách và 3 ga hàng hóa thuộc thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và huyện Hoa Lư. Ngoài ra còn có 2 tuyến đường sắt chuyên dùng (nhánh rẽ vào Nhà máy phân lân Ninh Bình) nối với đường sắt quốc gia tại Km120+520, có tổng chiều dài 2,072 km và tuyến đường sắt chuyên dụng nối với cảng Ninh Bình dài khoảng 2,0km.

Mặc dù chỉ dài 21,6km, tuy nhiên tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình lại đang tồn tại nhiều đường ngang, lối đi tự mở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Ninh Bình, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 18 lối đi tự mở, trong đó có 1 lối đi tự mở có chiều rộng <3m đã được tổ chức cảnh giới và 17 lối đi tự mở có chiều rộng <1,5m. Sở GTVT tỉnh Ninh Bình đã phối hợp Ban Quản lý dự án Đường sắt trong việc đầu tư xây dựng dự án: “Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh” và bàn giao cho UBND thành phố Tam Điệp quản lý, trong đó đầu tư xây dựng 307m đường gom có hệ thống hàng rào, rãnh thoát nước để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương.

Từ năm 2019-2023, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 3 người. Lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra, xử lý 413 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, nộp ngân sách 276,1 triệu đồng.

Để bảo đảm trật tự an toàn, phòng ngừa tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, tiếp tục phối hợp với Cục Đường Sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan thực hiện việc lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền phê duyệt dự án xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách dọc theo đường sắt để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt.

Ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt. Trong thời gian chờ xóa bỏ, bố trí nhân lực cảnh giới tại các lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Đồng thời, phối hợp với ngành đường sắt tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho nhân lực cảnh giới, trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cảnh giới theo quy định. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có đường sắt đi qua phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn mình quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn