MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội đặt mục tiêu vận tải hành khách công cộng đạt 22-25%, đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả. Ảnh: Phạm Đông

Yếu tố tạo hấp dẫn cho vận tải công cộng Hà Nội thời gian tới

PHẠM ĐÔNG LDO | 07/01/2024 17:52

Theo các chuyên gia giao thông, để Hà Nội đạt mục tiêu vận tải hành khách công cộng từ 22-25%, yếu tố quan trọng nhất không phải giá vé mà là thời gian và thái độ phục vụ khách hàng.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn năm 2024. Mục tiêu đặt ra là vận tải hành khách công cộng đảm bảo chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu năm 2024 đạt từ 22-25%.

Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, năm 2023, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã điều chỉnh hợp lý hóa lộ trình, tần suất, thời gian biểu chạy xe đối với 78 tuyến buýt. Đó là một trong những động lực chính để kéo hành khách trở lại với vận tải hành khách công cộng.

Theo ông Thái Hồ Phương, 9 tháng đầu năm 2023, sản lượng hành khách của toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng ước đạt 410,2 triệu lượt; trong đó buýt trợ giá ước đạt 349,7 triệu lượt, tăng 57,1% so với thực hiện cùng kỳ năm 2022.

Trao đổi với Lao Động ngày 7.1, chuyên gia về giao thông đô thị, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT - cho hay, hiện chỉ có trên 10% người dân ở Hà Nội sử dụng phương tiện công cộng, còn gần 90% sử dụng phương tiện cá nhân (bao gồm ôtô, xe gắn máy…).

Trong khi đó, mạng lưới đường sắt đô thị còn chưa hình thành, hiện chỉ có tuyến độc nhất là Cát Linh - Hà Đông; xe buýt di chuyển chậm, không đúng giờ (một phần do ùn tắc, một phần do hạ tầng giao thông chưa tốt)… Vì thế, xe máy, ôtô vẫn là phương tiện chính mà người lựa chọn làm phương tiện để đi lại.

Để đạt từ 22-25% trong năm 2024 và tăng tính hấp dẫn của vận tải hành khách công cộng, ông Thủy cho rằng, cần ưu tiên phương tiện vận tải công cộng có sức chứa lớn và hạn chế phương tiện cá nhân. Đây chính là giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông.

Nếu vận tải công cộng phục vụ tốt nhu cầu của người dân thì họ sẽ tự từ bỏ xe cá nhân mà không cần thu phí phương tiện đi vào nội đô. Do vậy, thành phố và các doanh nghiệp phải tăng cường xây dựng hệ thống giao thông công cộng để phục vụ người dân.

Hà Nội cần kết hợp thực hiện các giải pháp khác như thêm giao thông tĩnh, thêm đường, thêm cầu vượt, đường sắt trên cao, di chuyển nhiều cơ quan trường học ra xa trung tâm, phát triển đô thị vệ tinh hiện đại, hiện đại hóa công tác quản lý giao thông...

Còn ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội - cho rằng, số lượng người dân đi buýt còn quá nhỏ so với gần 10 triệu người dân ở Hà Nội. Người dân không ghét phương tiện công cộng, nhưng chưa đủ thỏa đáng để họ lựa chọn thay cho sử dụng phương tiện cá nhân đi lại hằng ngày. Bởi hiện tại, yếu tố quan trọng nhất với khách hàng bây giờ không phải giá vé mà là thời gian và thái độ phục vụ khách hàng.

Về phía thành phố, sau xe buýt chất lượng cao và tàu điện, xe buýt “xanh”, sự xuất hiện của thẻ vé điện tử liên thông được xem là bước ngoặt làm thay đổi hoàn toàn chất lượng dịch vụ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng.

Bởi thẻ vé điện tử là một tiện ích thông minh, đem đến sự thoải mái, dễ chịu cho cả hành khách lẫn nhân viên phục vụ trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng. Hơn nữa, nó còn là công cụ để quản lý doanh thu, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ GTVT, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, vận chuyển nhanh được xác định là ưu tiên hàng đầu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang diễn ra phức tạp, trong đó, việc phát triển mạng lưới đường sắt đô thị được xem là “xương sống” của vận tải hành khách công cộng Thủ đô.

Theo quy hoạch hiện nay, Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh), với tổng chiều dài 417,8km (trong đó 75,6km đi ngầm), tổng mức đầu tư dự kiến trên 40 tỉ USD. Tuy nhiên, thực tế đến nay, thành phố mới chỉ hoàn thành 13km (tuyến đoạn Cát Linh - Hà Đông) và đang thi công 12,5km (tuyến 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn