MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện Quỹ TLV Lao Động trao gạo cứu trợ cho người dân xã Sơn Mỹ (Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động hỗ trợ người dân bị lũ quét tại Hà Tĩnh

Đăng Khoa - Lộc Hà LDO | 22/10/2013 08:20
Ngày 21.10, Quỹ TLV Lao Động cùng với LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh có chuyến đi cứu trợ đồng bào tại các xã bị lũ quét trên địa bàn các xã thuộc 4 huyện của tỉnh Hà Tĩnh.

Tại xã Sơn Mỹ (huyện Hương Sơn), Quỹ TLV Lao Động đã trao 1 tấn gạo nhằm hỗ trợ cứu đói trước mắt cho hàng chục hộ dân. Có mặt tại UBND xã để nhận gạo, bà Trịnh Thị Bún (58 tuổi) mếu máo nói: “Nhà bà bị lũ cuốn sập tường nhà, mái tôn hư hỏng gần hết. Sau lũ, các cơ quan đoàn thể đã giúp dựng nhà tạm để ở, nhưng cái ăn mấy ngày này lại chẳng có. Cảm ơn tấm lòng vàng của quý báo đã đến với gia đình, đến với người dân Sơn Mỹ”.

Tại xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê) – nơi được xem là rốn lũ của tỉnh Hà Tĩnh - Quỹ TLV Lao Động đã trao tặng 1,5 tấn gạo nhằm hỗ trợ người  dân. Hàng chục người già, trẻ em của vùng rốn lũ này đã xúc động khi được hỗ trợ kịp thời lương thực sau nhiều ngày dài bị cô lập trong lũ. Nhiều em học sinh, gần một tháng trời phải nghỉ học do nước ngập thôn làng kể từ cơn bão số 8, nay cũng hối hả cùng cha mẹ lội nước lên trung tâm xã nhận phần gạo. Trong chuyến cứu trợ này, Quỹ TLV Lao Động đã trao tổng cộng 4,5 tấn gạo, được phân thành bao 10kg, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau lũ.

Người dân xã Quang Liên (huyện Vũ Quang) nhận gạo cứu trợ.

Trong chuyến cứu trợ này, ông Nguyễn Hồng Quân - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ - thiết tha nhờ nhà báo gửi nguyện vọng của mình lên các cơ quan ban ngành T.Ư, địa phương là cho xã một cây cầu như đã hứa để dân bớt khổ khi lũ bão ập về. Ông Quân cho biết, xã nằm trên địa thế có đến 9 con sông, suối đổ nước về khiến dân quanh năm sống chung với lũ. Tại đây, nước lũ đến sớm nhưng rút muộn nên dân gian ở đây hay có câu “nước mô cũng đổ về Phương Mỹ”. Trong trận lũ vừa qua, toàn xã có 397 hộ/1.831 nhân khẩu bị ngập nặng. Trung tâm xã lại nằm ở bên này sông Ngàn Sâu, ở phía bên kia, dân số chiếm một nửa, nhưng vẫn không có cầu đi lại. Xã có 576 em học sinh thì phía bên kia đã có tới 300 em. Sau trận lũ năm 2007, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm, xã đã có kiến nghị xin một cây cầu; đến năm 2010 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng về thăm và có đề cập đến vấn đề này. “Việc xây cầu sau đó được hoạch định và giao cho Sở GTVT tỉnh làm chủ đầu tư nhưng khi Nghị quyết 11 ra cho đến nay thì hoàn toàn không thấy nói xây gì nữa” - ông Quân nói.

Trong trận lũ quét mới đây, chiếc cầu phao bắc qua sông nối với các thôn bên kia bị cuốn phăng. Từ sáng 21.10, chính quyền xã này phải huy động hai lực lượng dân quân và công an túc trực tại bến sông để đưa đón học sinh và người dân qua lại.

Theo ông Quân, việc xây dựng một chiếc cầu bằng bêtông cốt thép là ước nguyện của hàng ngàn người dân nơi đây và cũng giải quyết được rất nhiều vấn đề, mà theo ông Quân dự tính thì chỉ cần một cây cầu tràn với giá 30 tỉ đồng. “Nếu có cầu, chúng tôi sẽ chủ động trong việc sơ tán và cứu hộ người dân mỗi khi mùa lũ lụt tới; đồng thời việc đi lại của người dân, nhất là các cháu học sinh sẽ an toàn và tránh thiệt hại về người hơn. Hơn nữa, vùng động lực để phát triển kinh tế của xã là ở phía bên kia sông, là vùng trồng cây lâm nghiệp, lương thực, tuy nhiên do không có đường qua lại nên không thể phát triển được”, ông Quân cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn