MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (ngoài cùng, bên trái) cùng cán cán bộ Công đoàn tỉnh Bắc Giang vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ đoàn viên khó khăn do COVID-19. Ảnh: Việt Lâm

Đổi mới để hỗ trợ người lao động

Việt Lâm LDO | 03/02/2022 10:02

Trước khó khăn, thử thách do dịch COVID-19 gây ra, các cấp Công đoàn đã kịp thời đổi mới phương thức hoạt động để kịp thời chăm lo đoàn viên, người lao động và đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giảm áp lực tâm lý hoang mang, lo lắng của người lao động

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết, thời gian qua, các cấp Công đoàn trong ngành đã tích cực đổi mới hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động. 

Trong dịch bệnh COVID-19, người lao động gặp không ít vấn đề về tâm lý do thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài, đối diện với F0 khi thực hiện nhiệm vụ, bị lây nhiễm, chứng kiến đồng nghiệp tử vong… đã khiến một số người lao động sang chấn tâm lý. 

“Trong ngành cũng đã có nhiều người lao động là đối tượng F0, F1… Để giảm áp lực tâm lý hoang mang, lo lắng của người lao động, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã phối hợp với chuyên môn thành lập “Tổ tư vấn COVID-19”, thành lập đường dây nóng với sự hỗ trợ của các y, bác sĩ có kinh nghiệm tư vấn điều trị cho hơn 600 trường hợp, trong thời gian 24/24h” - Chủ tịch CĐ Điện lực Việt Nam cho hay.

Là thành viên “Tổ tư vấn COVID-19”, chị Trần Thị Thuý - cử nhân Điều dưỡng, y tế cơ quan Công ty Điện lực Bình Định - trong thời gian qua đã tư vấn sức khỏe cho 7 cán bộ, người lao động tại TP.Hồ Chí Minh mắc COVID-19. Trong đó, 2 người đang điều trị tại nhà, 4 người tại đơn vị và 1 người là bệnh nhân nặng, bị tái nhiễm diễn biến nặng…

Anh Phan Thanh Tùng - Đội Truyền tải Phú Lâm, Truyền tải điện TP.Hồ Chí Minh, Công ty Truyền tải điện 4, một trong những bệnh nhân được chị Thuý tư vấn - cho biết: “Nhờ làm theo sự tư vấn, hướng dẫn tận tình, chu đáo, cặn kẽ của chị Thúy, tình hình sức khỏe của tôi ngày một được cải thiện rõ rệt, các triệu chứng lâm sàng thuyên giảm. Tôi cảm thấy rất an tâm, tin tưởng sự tư vấn của chị Thuý”. 

Ứng dụng công nghệ thông tin trong vận động hỗ trợ người lao động

Ngay sau khi dịch bắt đầu bùng phát trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Vân Hà - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh - đã đưa ra ý tưởng, thống nhất trong Thường trực và trực tiếp biên soạn “Lời kêu gọi” đăng tải trên Facebook Công đoàn Bắc Ninh để tiếp cận, kết nối, vận động các tổ chức, cá nhân có tiềm lực và uy tín trong việc huy động nguồn lực mời tham gia đồng hành, chung tay ủng hộ, hỗ trợ người lao động. 

Từ ý tưởng này, hơn 10 câu lạc bộ, tổ chức, nhóm từ thiện trong và ngoài tỉnh; các doanh nhân, nghệ sĩ, nhà báo… là người con Bắc Ninh xa quê sinh sống ở các tỉnh bạn, đồng hành cùng Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ người lao động. Mặt hàng ủng hộ, địa chỉ hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đều do cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp tư vấn, cân đối, điều tiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc làm này cũng khắc phục được tình trạng các tổ chức, các nhóm từ thiện hoạt động tự phát, hỗ trợ chưa đúng đối tượng, thời điểm và nhu cầu. 

Sau 6 tuần triển khai chương trình hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19, Liên đoàn Lao động tỉnh đã huy động được 16,4 tỉ đồng. Trong đó, riêng cá nhân bà Nguyễn Thị Vân Hà đã trực tiếp huy động được gần 11 tỉ đồng.

Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã làm cho tất cả doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gần 200.000 người lao động phải nghỉ việc. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn về phòng chống dịch được hoạt động trở lại. Trong bối cảnh đó, Công đoàn đã phối hợp cùng chính quyền, đồng hành với doanh nghiệp vận động người lao động trở lại làm việc và khôi phục, thúc đẩy phát triển sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Cảnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang - cho biết, các cấp Công đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong người lao động, lắp đặt 1.500 pano và hàng nghìn áp phích tuyên truyền; hướng dẫn người lao động các biện pháp phòng dịch tại nơi làm việc và tại các khu nhà trọ. Kịp thời thông tin và động viên người lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc, yên tâm ở lại doanh nghiệp và khẳng định với người lao động rằng ở lại doanh nghiệp vừa có việc làm, vừa có thu nhập và an toàn hơn một số khu dân cư là trọng điểm dịch trước đây. 

“Thông qua các nhóm hoạt động nêu trên, Công đoàn tỉnh Bắc Giang đã góp phần nhỏ bé của mình hỗ trợ người lao động, hỗ trợ cho doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, tuyển dụng thêm nhiều lao động mới” - ông Nguyễn Văn Cảnh cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn