MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Công đoàn tỉnh Nghệ An đón công nhân đi làm trở lại sau vụ ngừng việc tập thể. Ảnh: Quang Đại

Ngăn ngừa, giải quyết ngừng việc tập thể: Công đoàn vào cuộc, biến thách thức thành cơ hội

QUANG ĐẠI LDO | 22/02/2022 11:15
Sau Tết Nguyên đán đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 4 cuộc ngừng việc tập thể của công nhân đòi quyền lợi. Tổ chức Công đoàn đã nhanh chóng vào cuộc, kết nối công nhân và doanh nghiệp, góp phần thương lượng giải quyết tranh chấp lao động.

Doanh nghiệp và người lao động đều khó khăn

Cả 4 cuộc ngừng việc tập thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian gần đây đều liên quan đến các kiến nghị về quyền lợi của công nhân. Công nhân phản ánh mức lương cơ bản thấp, không được tăng lương, chất lượng bữa ăn ca chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí xét nghiệm COVID-19 tốn kém, bất cập trong thực hiện chế độ nghỉ phép, thái độ quản lý thiếu tôn trọng công nhân...

Hiện nay Nghệ An có 13.500 doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút 230 nghìn lao động, mức lương bình quân hằng tháng của người lao động là 6 triệu đồng. Bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An - cho biết, mức lương tối thiểu vùng còn bất cập, quá thấp so với nhu cầu, mức sống tối thiểu. “Mức lương tối thiểu giữa vùng I và vùng IV chênh lệch lên đến hơn 1 triệu đồng. Nhiều khu vực ở Nghệ An được xác định là vùng IV, mức lương tối thiểu vùng rất thấp, trong khi giá cả tiêu dùng, sinh hoạt, chi phí phòng trọ tại Nghệ An còn cao hơn cả Bình Dương, cơ sở hạ tầng như nhà trẻ, xe đưa đón công nhân còn thiếu thốn”, bà Trần Thị Nguyệt nói. Theo bà Nguyệt, mục tiêu Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thu hút khoảng 80 nghìn lao động vào năm 2025 rất khó thực hiện bởi ở thời điểm hiện nay, để giữ chân lao động đã là bài toán khó do mức lương thấp. Do đó, UBND tỉnh cần có khuyến nghị về việc tăng mức lương đối với hiệp hội doanh nghiệp, nếu không sẽ không giữ chân được NLĐ.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây rất nhiều khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động.  Trong 4 vụ ngừng việc tập thể diễn ra sau Tết Nguyên đán tại Nghệ An, có 2 cuộc ngừng việc liên quan đến kiến nghị của công nhân về việc hỗ trợ chi phí test COVID-19. Công nhân cho biết số F0 xuất hiện nhiều, F1 cũng đi làm, ai cũng lo lắng nên phải tự mua kit về test, mỗi lần mất khoảng 70.000-100.000 đồng, trong khi thu nhập mỗi ngày chỉ được khoảng 150.000-200.000 đồng. Công nhân đề nghị doanh nghiệp có biện pháp phòng dịch và hỗ trợ người lao động chi phí xét nghiệm.

Người lao động cũng phản ánh bất cập trong việc thực hiện chế độ nghỉ phép, khi nghỉ ở nhà để điều trị COVID-19 thì bị công ty trừ luôn vào chế độ nghỉ phép, tiền lương tháng thứ 13 cũng bị trừ do công nhân nghỉ do dịch bệnh.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh tình hình doanh thu giảm sút nghiêm trọng do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài, nhiều lao động trở thành F0 phải nghỉ làm việc, cộng thêm chi phí xét nghiệm và chi phí khác làm doanh nghiệp hết sức khó khăn. Trong tình hình đó, tại một số doanh nghiệp lại xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể, làm cho tình hình sản xuất kinh doanh đã khó càng thêm khó.

Công đoàn biến thách thức thành cơ hội

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động - LĐLĐ tỉnh Nghệ An - cho biết, qua thực tế kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp và tiếp xúc với người lao động qua các vụ ngừng việc tập thể, phát hiện nhiều bất cập, vi phạm của doanh nghiệp trong thực hiện pháp luật lao động. “Tỉ lệ  doanh nghiệp tổ chức Hội nghị người lao động chỉ đạt 54%, nhiều chủ doanh nghiệp né tránh tổ chức đối thoại với người lao động. Do chưa phát huy dân chủ, công khai, minh bạch nên công nhân có nhiều bức xúc tích tụ, dồn nén” - bà Hoàng Thị Thu Hương nói. Theo ông Lê Đình Thọ - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thanh Chương, qua khả sát thực tế và trao đổi với công nhân, phát hiện doanh nghiệp có thiếu sót trong thực hiện chế độ tiền lương, công đoàn đã kịp thời đề nghị khắc phục.

Trước hiện tượng có nhiều vụ ngừng việc tập thể xảy ra, lãnh đạo Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị phải có trách nhiệm chung tay vào cuộc, ngăn ngừa và giải quyết tranh chấp lao động, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám khẳng định qua các vụ công nhân ngừng việc tập thể vừa qua, tổ chức Công đoàn đã vào cuộc kịp thời, trách nhiệm, có hiệu quả. Đồng thời đề nghị các tổ chức Công đoàn phải triển khai nắm tình hình DN, tâm tư, nguyện vọng của người lao động trên địa bàn, trước mắt tập trung vào các DN FDI, từ đó có giải pháp, tham mưu, báo cáo cụ thể về giải pháp.

“Cần biến thách thức thành cơ hội, phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong tình hình mới,  trở thành tổ chức số 1 đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động. Công đoàn phải hài hòa, làm việc khách quan, minh bạch, đúng luật, đẩy mạnh tuyên truyền, với nhiều hình thức phù hợp, sáng tạo, đến được với công nhân lao động. Xây dựng tổ chức Công đoàn, đặc biệt là CĐCS vững mạnh, trở thành chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cầu nối giữa DN và NLĐ” - ông Kha Văn Tám nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn