MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nỗi ám ảnh của giáo viên

QUANG ĐẠI - ĐĂNG KHOA LDO | 27/03/2015 09:24
Gần đây, phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) của ngành GDĐT tỉnh Nghệ An được triển khai rầm rộ ở cả 4 cấp học. Dù không bắt buộc, nhưng giáo viên (GV) không tham gia SKKN cũng không xong bởi SKKN là tiêu chí “cứng” xét thi đua hằng năm. Để đối phó, nhiều GV đã viết ra những SKKN thiếu tính thực tế hoặc sao chép lại…

Năm nào cũng phải có sáng kiến

Với rất nhiều GV đang công tác ở các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An, viết SKKN thường niên đang là nỗi ám ảnh. Ông Nguyễn Thức Cung - Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Long (huyện Nghi Lộc) - nói thẳng: “Trường tôi có 29 GV, trừ những anh mới vào trường, còn hầu hết bắt buộc phải viết SKKN hằng năm. Trước đây chỉ có một cô hiệu phó đam mê và hay viết SKKN đoạt giải cấp tỉnh, nhưng năm nay cô ốm nên trường không có thành tích gì”. Cũng theo ông Cung: “Trường thừa GV toán, văn nên nhiều người phải dạy chéo môn thì làm sao đúc rút được cái gì để ra SKKN được”.

SKKN năm nào cũng phải viết, bởi đó là công việc bắt buộc nên nảy sinh tình trạng đối phó cho có: “Phòng chấm điểm nhà trường, nhà trường chấm điểm giáo viên. Không có SKKN thì không có điểm. Như bản thân tôi có SKKN bậc 3 về quản lý, nhưng thực tế chỉ công nhận là xong chứ áp dụng thì chẳng ăn thua gì. Việc quy định bắt buộc năm nào cũng phải viết sáng kiến khiến GV rất bức xúc, sinh ra đối phó, lãng phí. Mỗi năm viết được một sáng kiến thì chỉ có thiên tài hay các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp mới làm được” - ông Cung thẳng thắn. Ông Vũ Thế Hải - phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GDĐT Nghệ An - cho rằng, để có một SKKN là điều không đơn giản. Nhiều GV, cán bộ quản lý giáo dục cũng rất bức xúc về tình trạng này, nhưng vì đã là quy định “cứng”, nên dù không nghĩ ra cái gì mới, GV cũng phải cố mà “sản xuất” cho được một SKKN. Năm vừa rồi, 14 đơn vị không có SKKN tham gia đã bị Sở GDĐT tỉnh Nghệ An “bêu” tên nhắc nhở và yêu cầu những năm sau phải tham gia đầy đủ.

Công nhận xong đưa vào ngăn kéo

Từ chỗ “phát động phong trào” kiểu bắt buộc nên mấy năm nay, ngành GDĐT Nghệ An luôn giữ vị trí “quán quân” về số lượng SKKN. Năm 2014, có tới 1.029 bản SKKN nộp về để Hội đồng khoa học ngành chấm điểm. Đây là những SKKN xuất sắc nhất trong số hàng chục nghìn SKKN lọt qua 2 vòng chấm cấp trường và phòng.

Tuy nhiên, khi nộp lên sở nhiều SKKN chưa thật chuẩn xác, khách quan, chưa tương xứng với kết quả xếp loại. Nhiều SKKN chỉ vài trang viết... hoặc liệt kê, giải pháp chung chung và khả năng áp dụng thực tế thì nhiều hạn chế. Một số GV “copy, paste” thông tin trên mạng dẫn đến nội dung giống nhau. Điển hình 2 SKKN của các tác giả Nguyễn Thị T và Đoàn Bích T (GV bậc THPT) được chỉnh sửa từ một luận văn của tác giả Nguyễn Phương Ngọc bị sở phát hiện trong quá trình chấm điểm. Ngoài ra, nhiều SKKN trích dẫn một phần công trình của người khác nhưng lại không dẫn nguồn…

Ông Võ Minh Kỳ - Trưởng phòng GDĐT huyện Quỳnh Lưu - cho biết, các SKKN sau khi được công nhận, phòng gửi về cho các trường qua thư điện tử để “họ học được cái gì thì học” và sau đó cũng không có sự tổng kết, khảo sát xem mức độ triển khai, áp dụng được đến đâu… Còn tại phòng GDĐT huyện Nghi Lộc, sau khi công nhận các sáng kiến, chỉ một số sáng kiến tiêu biểu được gom lại thành chuyên đề để phổ biến cho các lãnh đạo nhà trường và một số GV và gửi qua thư điện tử cho các trường lấy kinh nghiệm; hoặc GV nào có nhu cầu thì mang USB lên phòng để photocopy về nghiên cứu, còn việc in thành kỷ yếu chỉ được thực hiện một năm rồi phải dừng vì không có kinh phí. Ông Bùi Quang Hưng - Phó phòng Quản lý công nghệ Sở KHCN tỉnh Nghệ An - cho biết, hiện nay chưa có cơ chế, kinh phí để hỗ trợ các tác giả triển khai, áp dụng vào thực tế.

Các SKKN này không chỉ tốn kém công sức, giấy mực của những người viết, mà chi phí cho các hội đồng từ cơ sở lên cấp tỉnh cũng rất lớn, trong khi số SKKN đúng nghĩa và có hiệu quả thực sự không nhiều.

Được biết, Sở KHCN tỉnh Nghệ An vừa tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định 05 ngày 20.1.2015 ban hành quy định công nhận sáng kiến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đối tượng như văn bản hành chính, đề tài nghiên cứu hàn lâm, thiếu tính mới và thiếu hiệu quả đều không được xét.

 

 

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn