MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tàu “khủng” và khát vọng lớn

Linh Phạm LDO | 17/02/2015 06:34
Một năm trôi qua với nhiều sóng gió cho ngư dân Quảng Ngãi, như một lời đáp trả mạnh mẽ cho những thách thức thiên tai và nhân tai, đội tàu của họ đã hùng hậu vượt sóng, ra khơi.

Đội tàu nghìn mã lực

Tại HTX đóng tàu Cổ Lũy nằm bên bờ sông Phú Thọ, đoạn sông qua Cửa Đại đổ về biển, một ngày tháng 6 rực nắng, tôi đã gặp những anh thợ thuyền mồ hôi nhễ nhại, cưa gỗ đóng thuyền, nói cười hào sảng.

Khi ấy, ngoài kia ngư dân vẫn kiên cường bám biển trước giàn khoan Hải Dương 981 và lực lượng ngư chính Trung Quốc, trong bờ, đơn đặt hàng đóng tàu vẫn đến tấp nấp. Ông Phan Như Huỳnh - Chủ nhiệm HTX đóng tàu Cổ Lũy tự tin: "Nghề đóng tàu không bao giờ ế khách, bởi biển với ngư dân Quảng Ngãi là máu thịt, là mảnh ruộng họ cày".

Hung tin ngoài khơi liên tục được báo về, cứ mỗi lần tàu Trung Quốc đâm húc tàu Việt Nam, lòng người đều sục sôi căm giận. Nhìn những chiếc tàu về mang đầy "vết thương", ông Phan Như Huỳnh nghĩ ra sáng kiến bọc thép cho thành tàu để gia cố sức mạnh cho những con tàu mới đóng, thế là từ đó con tàu nào ra đời cũng "mặc áo giáp" như chiến binh. "Không có gì làm khó được chúng tôi khi quyết tâm ra khơi vẫn còn", ông Huỳnh nói chắc nịch.

Trở lại Cổ Lũy những ngày cuối năm, không khí làm việc nơi đây có phần dịu xuống. Ông Phan Như Huỳnh cho biết một con số đáng kinh ngạc, từ tháng 6 năm 2014 đến nay ngư dân đã đặt hàng đóng hơn 60 tàu công suất nghìn mã lực. Chuyện tàu lớn nhanh như "Thánh Gióng" trong năm qua là chưa từng có, và theo ông Huỳnh thì đó là điều nằm ngoài sức tưởng tượng, mà đợt "dậy sóng" ngoài biển Đông như một liều dopping tiếp thêm quyết tâm cho ngư dân.

Ở cuối bãi là chiếc tàu nghìn mã lực cao lừng lững sắp được hạ thủy của ngư dân trẻ Phạm Kiểu (34 tuổi, thôn Phổ Thạnh, xã Nghĩa An). Kiểu đi lại trong cabin tàu, săm soi kĩ từng thớ gỗ, từng điểm nối, nước sơn như đang dự liệu trang bị thêm "nội thất" để "hoàn thiện" ngôi nhà mới, phát thảo kế hoạch ra khơi cho một ngày không xa.

Kiểu tâm sự: "Mình mới bán con tàu 700 CV để đóng tàu này, vốn nhà và vay mượn bà con chỉ có 3 tỉ, còn lại vay ngân hàng 4 tỉ, phải liều vậy thôi, làm ăn nhỏ thì không khá lên được". Gắn bó với nghề biển khi còn là một chàng trai mới lớn, Kiểu phấn khởi cho biết: "Gia đình mình đã đóng 4 chiếc rồi, nhưng có nằm mơ cha mình cũng không nghĩ có thể đóng tàu to thế". Hơn 2 năm đi bạn với ngư dân Bình Định học nghề lưới chụp, Kiểu nhận thấy đây là phương thức đánh bắt hiệu quả và dự định sẽ mở biển ra Trường Sa đầu năm mới.

Bên kia bờ sông Phú Thọ, ngư dân xã Nghĩa Phú đang khát khao về đội tàu khủng của anh Trần Văn Quốc (32 tuổi), người sở hữu đôi tàu gỗ khủng nhất từ trước đến nay với công suất 1.020 CV. Ông Phan Như Huỳnh cho biết, đôi tàu này được đầu tư mới 100%, kinh phí 11 tỉ đồng, đã ra khơi một chuyến và thu về 1,2 tỉ đồng, hiện Quốc cùng các anh em đang ra khơi chuyến cuối năm và sẽ về bờ trước tết.

"Đời sống bây giờ cao hơn, lớp ngư dân trẻ có kiến thức và mạnh dạn hơn và thi đua làm ăn, chúng tôi rất vui vì có một lớp người tiếp bước giữ biển ưu tú như vậy", ngư dân Phạm Hồng Phước - Chủ nhiệm hợp tác xã đánh bắt xa bờ xã Nghĩa An tâm đắc.

Khát vọng làm giàu từ biển

Không phải ngư dân nào cũng có tàu, nhiều ngư dân hùn vốn đóng tàu cùng nhau, và nhiều hơn là cả đời đi biển làm thuê (đi bạn), vất vả, nghèo khó là vậy, nhưng khát vọng của họ luôn tràn đầy.

Ông Phan Huy Hoàng-Phó Giám đốc Sở NN&PTNN kiêm Chủ tịch hội nghề cá tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khi Chính phủ ban hành nghị định 67, đã có hàng trăm hồ sơ xin vay vốn ưu đãi được gửi lên tỉnh chờ duyệt. Điều đó nói lên rằng, có một khát khao làm giàu rất lớn tiềm ẩn trong ngư dân mà chỉ cần thêm một "cú hích" tạo đà, sức mạnh ấy sẽ bung ra.

Mở màn đợt giải ngân vốn ưu đãi đầu tiên là Công ty Cổ phần thủy sản Lý Sơn. Ông Vũ Văn Hội - Giám đốc công ty cho biết, trước đây công ty chỉ chuyên chế biến và mua bán thủy sản, nhận thấy dịch vụ hậu cần chưa được đầu tư mạnh ở Lý Sơn, ông cùng các cộng sự quyết định vay 20,4 tỉ của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đóng tàu dịch vụ hậu cần 25 tỉ đồng, đây sẽ là tàu hậu cần lớn nhất từ trước đến nay ở Quảng Ngãi.

Theo thiết kế, tàu chiều dài 45,6m, rộng 7,5m, cao 4,2m và độ mớn 3m; lắp đặt 2 máy hiệu cattermilar mới 100% với tổng công suất 938CV, công suất máy phát điện 180KW, được đóng mới 100% theo công nghệ Nhật Bản.

Ngoài ra, tàu chở được 100m3 dầu DO, 6.000 cây đá, 70m3 nước ngọt; 50 tấn nhu yếu phẩm các loại cho ngư trường xa bờ. Đặc biệt, tàu có bể nuôi cá sống, xưởng sơ chế phân loại sản phẩm, được lắp đặt máy lạnh cấp đông, bảo quản trong hầm lạnh đạt tiêu chuẩn; tổng sức chuyên chở theo thiết kế là 680 tấn cá các loại đưa về đất liền tiêu thụ.

Ông Phạm Văn Mịnh, cổ đông Công ty cổ phần thủy sản Lý Sơn là một người Lý Sơn đã gắn bó nhiều năm với ngư dân, cho biết: "Trước mỗi chuyến ra khơi, ngư dân phải chuẩn bị xăng dầu, nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ trên bờ.

Sau khi về bờ, ngư dân phải tìm nơi tiêu thụ, lắm khi giá cả bấp bênh. Với tàu hậu cần này, chúng tôi sẽ đáp ứng mọi thứ ngay giữa biển, từ gói mì tôm đến gói dầu gội đầu".

Ông Mịnh cho biết, sắp tới công ty sẽ xây dựng thêm nhà máy chế biến hải sản trong khuôn viên 700m, công ty cũng đang tìm đầu ra để bán sản phẩm với giá ổn định. "Chúng tôi hi vọng được cùng bà con ngư dân làm giàu trên vùng biển của cha ông", ông Văn Mịnh chia sẻ.

Ngư dân trẻ Bùi Văn Phải (xã An Hải, Lý Sơn), người từng ôm lá cờ tổ quốc khi bị tàu Trung Quốc truy đuổi cũng đang ấp ủ dự tính làm giàu. Phải cho biết anh đã được duyệt hồ sơ vay vốn theo nghị định 67 để đóng một chiếc tàu 800 CV. "Mình đang góp vốn với tàu bạn nhưng muốn làm ăn lớn hơn, tuổi trẻ mà", Bùi Văn Phải vui vẻ nói.

Sóng cả không ngã tay chèo

Tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, trong thời gian Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã có ít nhất 5 tàu cá bị tấn công, gây thiệt hại nặng nề. Ông Nguyễn Thanh Hùng-Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho biết, từ nguồn hỗ trợ của nhà nước, các đoàn thể, doanh nghiệp và người dân cả nước, ngư dân xã Bình Châu đã nhanh chóng "chữa lành vết thương" cho tàu để tiếp tục ra khơi.

Ngư dân Nguyễn Văn Quang, chủ tàu QNg 90205 TS, con tàu do ngư dân trẻ Nguyễn Tấn Hải (SN 1990) làm thuyền trưởng, từng bị Trung Quốc tấn công, đánh người, cướp tài sản năm 2014 cho biết: "Hải dưỡng thương vài tháng rồi ra biển liền, chúng tôi vừa trở về sau 2 tháng ở Trường Sa, đợt này đánh dài ngày để bù tổn thất trong năm".

Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2014 tỉnh đã phân bổ gần 40 tỉ đồng hỗ trợ ngư dân theo chính sách hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt vùng biển xa. Đối với các tàu bị nạn, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh cũng đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng (tối đa 700 triệu đồng/tàu).

Dù "sóng lớn" đến đâu, thuyền của ngư dân Quảng Ngãi vẫn sẽ vượt sóng ra khơi, bởi họ sinh ra từ biển, lớn lên nhờ biển, gắn đời mình vào Hoàng Sa, Trường Sa, biển với họ là Tổ quốc.

Ông Phan Huynh Hoàng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Quảng Ngãi cho biết, tỉnh được chọn là nơi thí điểm thực hiện những chính sách ưu đãi phát triển kinh tế biển. Trong năm 2014, ngành thủy sản ưu tiên đóng tàu vỏ thép và hiện đại hóa tàu gỗ, nhờ vậy mà số lượng tàu công suất lớn tăng nhanh.

Đến cuối năm 2014, Quảng Ngãi có 5.462 tàu đã đăng ký, trong đó, tàu công suất dưới 20CV chỉ chiếm 20%. Nhờ đó, tổng công suất tàu thuyền cũng tăng nhanh, từ 885.000 CV năm 2013 đã tăng lên hơn 1 triệu CV trong năm 2014.

Chất lượng đội tàu cá tăng lên làm tăng khả năng và hiệu quả đánh bắt ở những ngư trường xa bờ. Năm 2014, tổng sản lượng khai thác ước đạt trên 150 nghìn tấn, đạt 106% kế hoạch, trong đó chủ yếu lượng thủy sản khai thác từ các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn