MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Điện mặt trời mái nhà. Ảnh: EVN

1 MW điện mặt trời áp mái được lắp đặt bằng trồng 17.000 cây xanh

Cường Ngô LDO | 29/11/2022 16:25

Đó là nhận định của ông Bùi Trung Kiên - Phó chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư CME Solar tại hội thảo Phát triển bền vững lần thứ 2 do Báo Đầu tư tổ chức ngày 29.11.

1 MW điện mặt trời áp mái được lắp đặt có thể giảm hơn 1.000 tấn CO2

Tại hội thảo, ông Bùi Trung Kiên nhấn mạnh việc áp dụng ESG - là bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. ESG giúp doanh nghiệp kiểm soát những rủi ro có thể phát sinh liên quan đến yếu tố môi trường, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thải carbon - điều mà theo ông Kiên cho rằng được thể hiện trực diện thông qua giải pháp lắp đặt điện mặt trời mái nhà. 

Theo ông Kiên, mỗi 1 MW điện mặt trời áp mái được lắp đặt có thể giảm hơn 1.000 tấn CO2, tương đương với việc trồng hơn 17.000 cây xanh.

Bên cạnh đó còn có thể tối ưu hoá các chi phí sử dụng năng lượng của doanh nghiệp. "Với mỗi 1 MW chúng tôi phát triển cùng khách hàng, trung bình giảm khoản 30% chi phí năng lượng cho doanh nghiệp.

Trong đó chiếm từ 10-20% giảm trực tiếp vào chi phí giá điện cho doanh nghiệp và 10% giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng làm mát trong nhà máy khi những tấm pin năng lượng mặt trời phủ lên nhà máy", ông Bùi Trung Kiên cho hay.

Ông Bùi Trung Kiên. Ảnh: Cường Ngô 

Theo vị này, việc áp dụng ESG giúp doanh nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư bền vững.

"Đối với 1 doanh nghiệp muốn hoạt động được, nhu cầu vốn vay rất quan trọng. Hiện nay, các tổ chức tín dụng trong nước, việc áp dụng ESG chưa phải là yếu tố bắt buộc. Tuy nhiên đây là căn cứ quan trọng để đánh giá tính rủi ro của một doanh nghiệp. Những doanh nghiệp chưa áp dụng ESG được đánh giá rủi ro cao hơn, chi phí lãi vay nhiều hơn so với doanh nghiệp đã áp dụng", ông Kiên nói.

Không thể coi nhẹ 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường

Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập báo Đầu tư cho rằng, phát triển bền vững phải dựa trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Coi nhẹ bất cứ yếu tố nào đều khiến con đường trở nên khấp khểnh và mục tiêu sẽ rời xa.

"Những nghiên cứu lớn gần đây trên thế giới đều chỉ ra rằng, doanh nghiệp sẽ trở nên đáng tin cậy hơn, hấp dẫn hơn trong mắt xã hội và các đối tác nếu biết quan tâm và theo đuổi các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị", ông nói.

Cùng chung nhận định, ông Patrick Haverman - Phó trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh, việc áp dụng các tiêu chí về ESG sẽ giúp các doanh nghiệp chuyển đổi những rủi ro thành động lực đổi mới, đồng thời tạo ra giá trị lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội.

Hội thảo ESG - Chìa khóa cho Phát triển bền vững. Ảnh: Báo Đầu tư 

Theo ông Patrick Haverman, chỉ riêng việc đạt được bình đẳng giới cũng có thể giúp tăng quy mô của nền kinh tế toàn cầu lên 26%.

Đồng thời, các cơ hội kinh doanh hàng năm với tổng trị giá 12 nghìn tỉ USD có thể được khai phá nếu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững chỉ trong 4 lĩnh vực của hệ thống đầu tư chính - gồm lương thực và nông nghiệp, phát triển đô thị, năng lượng và vật liệu, sức khỏe và phúc lợi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, chuyên gia tăng trưởng xanh, Vụ Khoa học - giáo dục - tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh, ESG chính là cách tiếp cận mà doanh nghiệp cần phải hướng tới trong phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh và giảm phát thải.

Song, bà Nga cho rằng, do 99% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho nên cần thúc đẩy việc tạo dựng chuỗi giá trị liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, để từ đó đạt được mục tiêu Net Zero.

Đồng thời cần thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, bền vững, tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu hao trong phát triển bền vững. Đó cũng chính là thúc đẩy phát triển bền vững, xanh và ESG đối với doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn