MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ hội được FTSE Russel nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi có thể rõ hơn ngay trong năm 2024. Ảnh: Đức Mạnh

1 tỉ USD sẽ đổ vào chứng khoán nếu được nâng hạng trong năm sau

Đức Mạnh LDO | 27/09/2023 15:49

Nếu được FTSE nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể sẽ đón dòng vốn đầu tư lên đến gần 1 tỉ USD. Con số này sẽ cao hơn nhiều trong trường hợp Việt Nam được MSCI nâng hạng lên mới nổi.

Hơn 22 năm từ khi thành lập đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam thể hiện rõ nét vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu xét theo quy mô vốn hóa so với các quốc gia trong khu vực thì vẫn còn tương đối nhỏ và chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.

Do đó, nhu cầu nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên cấp thiết để sánh ngang với các thị trường mới nổi khác. Đồng thời, đó cũng là bước đệm để đón nguồn vốn lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp khác như quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí.

Bên cạnh đó, quy mô thị trường hiện đã trở nên quá lớn để ở lại nhóm cận biên. Thị trường cổ phiếu chiếm tới trên 30% trong chỉ số thị trường cận biên toàn cầu của MSCI. Đồng thời, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước nhảy vọt sau giai đoạn COVID-19. Điều này cho thấy khả năng có thể đáp ứng được yêu cầu thanh khoản của nhóm các thị trường mới nổi.

Theo thống kê của EPFR Global, hiện tại, có 844 quỹ trên toàn cầu đang sử dụng MSCI Emerging Markets Index làm chỉ số tham chiếu với tổng tài sản 614,5 tỉ USD. Với các quỹ dựa trên chỉ số FTSE EM, tổng tài sản vào khoảng 89,6 tỉ USD.

Bà Thái Thị Việt Trinh - chuyên viên phân tích vĩ mô tại Chứng khoán SSI - cho biết, nếu được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi cấp 1, các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt Nam sẽ được bổ sung vào trong chỉ số FTSE Secondary Emerging Markets Index. Vì vậy, các quỹ đang sử dụng chỉ số này làm tham chiếu sẽ tự động mua các cổ phiếu của Việt Nam. Tổng giá trị mua phụ thuộc vào tỉ trọng của Việt Nam trong chỉ số. Với mức ước tính trung bình vào khoảng 1% tổng giá trị vào ròng thông qua việc FTSE nâng hạng có thể lên đến gần 1 tỉ USD. Con số này sẽ cao hơn nhiều trong trường hợp Việt Nam được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi.

"Không những thế, sẽ có nhiều quỹ, nhà đầu tư khác quan tâm đến Việt Nam khi được nâng hạng. Bởi khi đó, độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai minh bạch của Việt Nam đã lên một tầm cao mới. Đây mới là yếu tố hấp dẫn mang tính dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam" - bà Trinh cho hay.

Những yếu tố mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được, có thể cải thiện và cần được cải thiện để tiến tới nâng hạng. Ảnh: SSI

Theo nghiên cứu từ Học viện CFA, khi một thị trường chứng khoán được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số chính sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực. Ước tính từ World Bank cũng cho thấy, việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỉ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam. Riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 - 5 tỉ USD.

Vị chuyên gia đánh giá: "Các thành viên thị trường và nhà đầu tư cần có thêm thời gian để thích ứng với các giải pháp mà cơ quan quản lý dự kiến ban hành triển khai áp dụng thực tiễn. Do vậy, tôi kỳ vọng Việt Nam vẫn trong danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE Russel trong kỳ đánh giá năm nay. Cơ hội được FTSE Russel nâng hạng có thể rõ hơn ngay trong năm 2024. Khả năng được MSCI nâng hạng trong các năm sau đó sẽ đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của tất cả thành viên tham gia thị trường".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn