MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Diễn đàn "M&A Vietnam Forum 2019" diễn ra chiều ngày 6.8 với chủ đề "Thay đổi để bứt phá" (ảnh:PK).

10 năm mua bán và sáp nhập 55 tỉ USD, doanh nghiệp nói cần hoàn thiện luật

Thế Lâm LDO | 06/08/2019 18:49

Diễn đàn “Mua bán và Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2019” (M&A Vietnam 2019) diễn ra chiều ngày 6.8 tại TP.HCM đưa ra một con số chẵn tròn: 10 năm từ 2009-2018, tổng giá trị giao dịch M&A tại Việt Nam đạt khoảng 55 tỉ USD.

Dấu hiệu chững lại

Tuy nhiên, giá trị M&A trong 7 tháng đầu năm 2019 theo thống kê chỉ đạt khoảng 5,43 tỉ USD, dự đoán cả năm sẽ đạt gần 7,6 tỉ USD, thấp hơn so với con số 10,2 tỉ USD trong năm 2018.

Theo tiến sĩ Nguyễn Việt Khôi (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện có một số làn sóng M&A đang diễn ra như trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tuy nhiên, con số thống kê từ Diễn đàn M&A 2019 cho thấy, giá trị M&A đang có xu hướng chững lại.

Một phần không nhỏ các thương vụ mua bán và sáp nhập đến từ chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, trong những năm qua, cổ phần hóa đã giúp cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài sở hữu được các doanh nghiệp có qui mô lớn của Việt Nam khi Nhà nước thoái vốn (như trường hợp Vinamilk, Sabeco…) với tổng giá trị ước tính lên đến 200.000 tỉ đồng.

“Đây là tín hiệu tích cực để tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhằm khuyến khích nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua hoạt động M&A”, Thứ trưởng Thắng cho biết.

Vẫn vướng cơ chế?

Ở phiên thảo luận đầu tiên về cơ chế, chính sách, các chuyên gia đã tập trung bàn về những vướng mắc trong thực tế mua bán và sáp nhập doanh nghiệp nói chung và cổ phần hóa nói riêng trong thời gian qua.

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, Nhà nước đã có nhiều chủ trương nhằm minh bạch hóa quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vướng mắc đang cần phải giải quyết, một trong những vướng mắc lớn nhất về cơ chế và chính sách chính là trong lĩnh vực nhà đất.

Theo lí giải của ông Tiến, các doanh nghiệp trước khi tiến hành cổ phần hóa phải hoàn tất vấn đề chủ quyền các tài sản nhà đất bởi nếu không sẽ không kịp tiến độ theo tiến trình cổ phần hóa. Mặt khác, nếu cổ phần hóa xong mới đi hoàn tất thủ tục chủ quyền nhà đất cũng sẽ không bảo đảm tính minh bạch.

Còn nữa, một số doanh nghiệp nhà nước được các địa phương giao quản lí tài sản nhà đất trong quá trình cổ phần hóa tính giá trị bao nhiêu, tính tới thời điểm nào để đưa vào giá trị doanh nghiệp cũng là việc gặp khó khăn.   

Phó Tổng giám đốc TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) Lê Song Lai cho rằng, nhiều tài sản nhà đất của doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa khó xác định giá trị vì thiếu rất nhiều thứ giấy tờ chính là vướng mắc không nhỏ. Theo ông, cơ chế chính sách cần có những điều chỉnh để tiệm cận với thông lệ thị trường giúp doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc trên.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước – hi vọng, trong thời gian tới việc sửa đổi các luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán sẽ tạo hành lang pháp lí và cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp hoạt động trong đó có lĩnh vực M&A.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn