MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"10 năm qua, chưa khi nào mua xăng dầu khó như hiện nay"

Cường Ngô LDO | 26/05/2020 15:48
Thị trường xăng dầu đang xuất hiện nhiều bất cập trong vấn đề nguồn cung. Cả doanh nghiệp bán lẻ và thương nhân phân phối đều than vãn về tình trạng “hạn ngạch" trong nhập xăng dầu hiện nay.

Xăng dầu khó mua, chiết khấu về 0

Chiều 26.5, ông Q, chủ một cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở đường Lê Trọng Tấn (La Khê, Hà Đông, Hà Nội) yêu cầu nhân viên treo biển "hết xăng" trước cửa hàng. Ông cho biết "cực chẳng đã" mới phải làm như vậy. Bởi, hai ngày nay, cửa hàng của ông không nhập được giọt xăng nào. Hiện chỉ còn một ít dầu để bán nốt, nếu không cũng đóng cửa cho nhân viên nghỉ.

Ông Q cho hay, tình hình khó khăn trong việc nhập xăng dầu diễn ra nhiều ngày trở lại đây. Không chỉ cửa hàng của ông, đại lý nào kêu. Có những cửa hàng còn hết xăng hai, ba ngày nay mà không nhập được. Người dân đến đổ xăng cũng ngậm ngùi quay xe ra về.

"Trước đây chỉ cần đặt hàng hôm trước là hôm sau có xe chở tới. Giờ muốn mua phải đăng ký trước, mỗi lần giao thì số lượng nhỏ giọt. Trong 10 năm qua, chưa khi nào chúng tôi mua xăng mà khó như vậy", chủ đại lý xăng dầu cho hay.

Cũng theo ông Q, ông là đại lý bán lẻ xăng dầu, muốn mua xăng dầu phải qua một thương nhân phân phối (hiện thương nhân phân phối của ông Q là Công ty Cổ phần xăng dầu HFC), đơn vị này là đại lý cho Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam.

Nhiều cửa hàng xăng dầu treo biển hết xăng. Ảnh: Ngô Cường 

"Khi được hỏi tại sao không mua được xăng dầu về bán, Công ty HFC cho rằng "lực bất tòng tâm" vì họ cũng không nhập được xăng dầu. Không biết lý do tại sao lại xảy ra tình trạng như vậy, nhưng khi người dân đến mua xăng mà chúng tôi không có bán, điều này sẽ rất mất uy tín", ông Q chia sẻ.

Theo ông Q, trong thời điểm khó khăn như vậy, ông muốn mua xăng dầu từ một nguồn khác cũng không được, vì Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu quy định, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chỉ được nhập một nguồn, từ một thương nhân phân phối, muốn nhập xăng dầu từ nguồn khác thì phải thanh lý nguồn ban đầu.

Không chỉ khó mua xăng dầu, mà chiết khấu (hoa hồng) cũng bị cắt giảm "không thương tiếc". Trao đổi với Lao Động, ông Đ.Đ, chủ một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết, hiện nay, chiết khấu cũng bị doanh nghiệp đầu mối giảm từ 500-700 đồng/lít xuống còn 0 đồng/lít. Tức là sau khi trừ chi phí vận chuyển xăng về đến cửa hàng, ông Đ đã chịu lỗ 100 đồng/lít.

"Công ty đã nhận được thông báo kể từ hôm nay ngày 26.5, chiết khấu về mức 0 đồng. Tức là sau khi trừ đi chi phí, doanh nghiệp sẽ lỗ.

Mặc dù chiết khấu xuống 0 đồng nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận cốt là có xăng để phục vụ người dân. Cửa hàng mà đóng cửa nhiều quá chúng tôi mất khách, mấy uy tín", vị chủ doanh nghiệp nói.

Sẽ kiểm tra vụ việc

Liên quan vấn đề này, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ cũng đã nắm được thông tin nêu trên. Qua rà soát, hầu hết các đầu mối đều đáp ứng đủ cho hệ thống của họ. Tuy nhiên chỉ có một vài trường hợp cung cấp nhỏ giọt và giảm chiết khấu rất thấp. Về vấn đề này, Vụ Thị trường trong nước đã vào cuộc, can thiệp để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Theo ông Đông, hiện nay nguồn cung tổng thể vẫn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hôm 22.5 vừa qua, Vụ Thị trường trong nước cũng đã có văn bản gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương cho hay, Tổng cục Quản lý thị trường đã nhận được thông tin phản ánh và có văn bản chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu (nếu có).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn