MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
(ảnh minh họa)

10.000 số máy quấy nhiễu và những “đòn thù” vô đạo đức

Thế Lâm LDO | 09/11/2019 18:30
Sáng 8.11, trả lời chất vấn trước Quốc hội về tình trạng các cuộc gọi “rác”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Hiện các nhà mạng mỗi tháng ghi nhận 10.000 số máy thực hiện các cuộc gọi rác. Các cuộc gọi này ảnh hưởng tới hàng triệu người…

Tình trạng cuộc gọi “rác” được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng là hiện tượng mới.

Trên thực tế, sau “thảm họa” tin nhắn “rác” khiến xã hội bức xúc trong suốt nhiều năm qua, sau khi các cơ quan chức năng mạnh tay thì nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chuyển hướng quảng cáo, rao bán sản phẩm, dịch vụ bằng các cuộc gọi mà người nghe không mong muốn, được gọi là cuộc gọi “rác”.

Đối với tình trạng tin nhắc “rác”, hiện đã có các quy định chế tài, tuy nhiên đối với tình trạng cuộc gọi “rác” thì chưa. Cái khó về mặt pháp lý ở đây là: Thấy cuộc gọi đến từ số lạ, nếu không nghe thì thôi, còn nếu nghe, coi như đã chấp nhận, vì thế rất khó có cơ sở để “xử lý vi phạm”.

Các đối tượng thực hiện cuộc gọi rác trên thị trường hiện nay tập trung ở các lĩnh vực từ dịch vụ bảo hiểm, du lịch, sức khỏe cho đến bất động sản.

Tình trạng cuộc gọi “rác” đặc biệt bùng phát trên thị trường bất động sản trong vài năm qua mà đối tượng thực hiện hầu hết là nhân viên bán hàng, từ giới thiệu và mời mua các dự án căn hộ cho tới dự án đất nền, đất nghĩa trang… Khách hàng chỉ cần một lần tiết lộ số điện thoại cho một nhân viên môi giới địa ốc nào đó thì từ đó về sau sẽ lãnh đủ sự quấy nhiễu của các cuộc gọi “rác” giới thiệu, mời mọc mua căn hộ, đất nền… Bởi nhân viên này sau đó sẽ chia sẻ số cho những người khác, hoặc số điện thoại khách hàng lưu tại hệ thống doanh nghiệp bất động sản sẽ được chia sẻ, rò rỉ.

Thậm chí, trường hợp như anh Thảo (quận 1, TPHCM) còn bị đối tượng thực hiện cuộc gọi “rác” trả thù một cách vô đạo đức: Sau khi gọi đến mời mọc mua căn hộ nhiều lần bị anh Thảo phản ứng, đối tượng ở đầu dây bên kia nghiêm giọng “làm gì ghê thế, hãy chờ đấy” và chỉ 15 phút sau, anh Thảo phải hứng chịu cả chục cuộc gọi đến hỏi… mua thận.

Anh Thảo tìm hiểu từ chính những người gọi đến hỏi mua thận thì được biết số điện thoại của anh vừa được đưa lên cùng với lời rao bán thận trên mạng.

Một trường hợp khác là anh Hùng (quận 3, TPHCM), cũng vì phản ứng trước hàng chục cuộc gọi “rác” mời mua bất động sản liền bị một trong số các đối tượng đó đưa số điện thoại của anh cùng với lời yêu cầu được tư vấn lên website của một phòng khám nam khoa. Thế là chỉ trong khoảng một giờ đồng hồ, có gần chục cuộc gọi từ tổng đài của phòng khám này gọi đến để… tư vấn bệnh tình.

Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng cuộc gọi “rác” đã ngày càng diễn biến phức tạp hơn là không chỉ nhằm quảng cáo, giới thiệu, mời mua hàng hóa, dịch vụ mà còn nhằm thu thập thông tin người dùng thông qua các gói “ưu đãi”, chương trình khuyến mãi.v.v…

Hiện chưa có biện pháp công nghệ kĩ thuật chung để chặn cuộc gọi “rác” vì khó khăn trong việc phân biệt cuộc gọi “rác” và cuộc gọi bình thường trước các số điện thoại mới và lạ gọi đến. Cách phổ biến hiện nay là người dùng smartphone dùng phần mềm tự chặn các cuộc gọi “rác” từ những số điện thoại đã từng 1 lần gọi đến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn