MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

11 tháng, hơn 1,9 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội

Minh Anh LDO | 22/12/2021 14:00

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và nguy hiểm, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội với phạm vi rộng với thời gian kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình triển khai nhiệm vụ của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH). Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban điều hành NHCSXH cùng sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ người lao động trong toàn hệ thống, hoạt động của NHCSXH tiếp tục được duy trì ổn định, hiệu quả, an toàn và đạt được những kết quả tích cực trên các mặt hoạt động.

Theo đó, tổng nguồn vốn tín dụng đến 30/11/2021 đạt 255.468 tỉ đồng, tăng 21.923 tỉ đồng so với cuối năm 2020, trong đó riêng vốn ngân sách nhà nước đạt  39.134 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 15% (bao gồm vốn điều lệ 19.023 tỉ đồng; vốn thực hiện các chương trình 20.111 tỉ đồng), tăng 1.531 tỉ đồng. Một số chi nhánh đạt tỷ lệ hoàn thành kế hoạch cao như: Long An (307%); Điện Biên (279%); Lâm Đồng (254%); Bình Phước (197%); Vĩnh Long (184%); Hải Dương (182%); Vũng Tàu (176%); Đồng Nai (161%); Ninh Bình (159%)... Một số chi nhánh thực hiện còn thấp như: Bạc Liêu, Cần Thơ, Tây Ninh, TPHCM...

Nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương đạt 24.463 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 9,4% tổng nguồn vốn, tăng 4.148 tỉ đồng. Đến nay, 63/63 chi nhánh có vốn ủy thác địa phương tăng so với năm 2020; 60/63 chi nhánh đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch năm 2021. Một số chi nhánh có nguồn vốn nhận ủy thác tăng cao như: TP. Hà Nội (+1.200 tỉ đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu (+224 tỉ đồng), TP. Đà Nẵng (+216 tỉ đồng), Bình Dương (+211 tỉ đồng), Đồng Nai (+160 tỉ đồng), Bình Định (+136 tỉ đồng), Quảng Ninh (+ 119 tỉ đồng),...; Nguồn vốn khác và các quỹ: 10.631 tỉ đồng, tăng 2.039 tỉ đồng.

Đáng chú ý, đến 30/11/2021, tổng doanh số cho vay 74.147 tỉ đồng; tổng doanh số thu nợ 55.077 tỉ đồng; tổng dư nợ đạt 245.199 tỉ đồng, tăng 19.002 tỉ đồng (+8,4%) so với cuối năm 2020, với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được TTCP giao đạt 208.975 tỉ đồng, tăng 14.570 tỉ đồng (+7,5%) so với cuối năm 2020, hoàn thành 93,7% kế hoạch được TTCP giao.

Trong 11 tháng qua, có trên 1,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 588 nghìn lao động; giúp trên 28,4 nghìn lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng trên 6,6 nghìn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…

Đặc biệt, việc triển khai cho vay người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đạt hiệu quả cao. Cụ thể, từ khi triển khai thực hiện đến nay có 63 chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho 1.765 lượt NSDLĐ với số tiền 978 tỉ đồng để trả lương cho 268.859 lượt NLĐ, trong đó: để trả lương ngừng việc là 1.130 lượt NSDLĐ với số tiền 237 tỉ đồng, trả lương cho 66.246 lượt NLĐ;  trả lương phục hồi sản xuất sau khi bị tạm dừng hoạt động là 513 lượt NSDLĐ với số tiền 705 tỉ đồng, trả lương cho 193.162 lượt NLĐ; trả lương phục hồi sản xuất trong lĩnh vực hoạt động vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 122 lượt NSDLĐ với số tiền 36 tỉ đồng, trả lương cho 9.452 lượt NLĐ.

Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện với quy mô ngày càng mở rộng. Tính đến ngày 30/11/2021, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức CTXH đạt 243.238 tỉ đồng (chiếm 99,2% tổng dư nợ), tăng 18.604 tỉ đồng so với đầu năm, với 169.938 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) và gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó: Hội Phụ nữ quản lý 62.916 tổ TK&VV và hơn 2,4 triệu hộ vay với dư nợ 93.390 tỉ đồng (chiếm 38,09% dư nợ ủy thác); Hội Nông dân quản lý 52.394 tổ TK&VV và gần 2 triệu hộ vay với dư nợ 73.718 tỉ đồng (chiếm 30,06%); Hội Cựu chiến binh quản lý 30.007 tổ TK&VV và hơn 1 triệu hộ vay với dư nợ 41.346 tỉ đồng (chiếm 16,86%); Đoàn Thanh niên quản lý 24.621 tổ TK&VV và trên 907 nghìn hộ vay với dư nợ 34.784 tỉ đồng (chiếm 14,19%).

Bên cạnh đó, để tiếp tục củng cố và duy trì chất lượng tín dụng chính sách trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân đặc biệt là các đối tượng vay vốn của NHCSXH, NHCSXH đã kịp thời triển khai một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp hộ vay phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống như: Lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro trình Chủ tịch HĐQT thông báo xử lý nợ cho khách hàng bị rủi ro tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên theo Quyết định số 05/QĐ-HĐQT ngày 9/02/2021 với 517 món vay, số tiền 20.202 triệu đồng; Thông báo danh sách xóa nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đợt 3/2020 theo Quyết định số 11/QĐ-HĐQT ngày 01/3/2021 tới các chi nhánh, với 5.896 món vay, số tiền 75.392 triệu đồng; Thực hiện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đề nghị xử lý nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đợt 1/2021 với 18.095 món vay, tổng số tiền là 262 tỉ đồng. Dự kiến, đợt 2 năm 2021 có 63/63 chi nhánh đề nghị xử lý nợ bị rủi ro với tổng số món là 40.839, tổng số tiền là 691 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn