MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương: Muốn bán thì phải “khỏe”, chưa kịp khỏe đã có nguy cơ yếu lại

DUY THIÊN LDO | 24/09/2018 11:38
12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương đã có nhiều biến chuyển sau hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc của Chính phủ. Mặc dù vậy, vẫn còn một số dự án dường như không thể cứu vãn bởi “chào bán 3 lần cũng không có ai mua”. Làm thế nào để giải quyết được bài toán thoái vốn Nhà nước hiệu quả tại các dự án này?

Còn 3 dự án ”tiến thoái lưỡng nan”

Báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn đọng 12 dự án yếu kém ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, hầu hết các dự án đều đã tìm ra phương án. Tuy nhiên, đối với 3 dự án xây dựng dở dang thì Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn; Dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC.

Những khó khăn đó cho thấy, dù có nhiều tín hiệu tốt đẹp hơn trước thực tế để có thể thoái vốn Nhà nước khỏi các dự án này không hề đơn giản. Đơn cử như dự án Giấy và Bột giấy Phương Nam đã thực hiện “bán đấu giá tài sản 3 lần nhưng không ai mua”; hay như dự án nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ tới nay cũng không thể tìm được đối tác nào dám tiếp tục đầu tư triển khai trong khi các cổ đông hiên tại đều thống nhất không đổ thêm tiền vào cứu vãn tình hình.

Trong khi đó, có những dự án đang có tiến triển tốt hơn trước rất nhiều nhưng cũng rất khó khăn bởi vướng cơ chế. Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Phú Cường cho biết: “Cả 4 dự án yếu kém của Tập đoàn đã dùng tất cả các giải pháp, giảm khấu hao, chính sách tiết kiệm, hỗ trợ của các ngân hàng thương mại. Giúp cho 8 tháng đầu năm Đạm Hà Bắc chỉ còn lỗ 203 tỉ đồng, giảm 210 tỉ đồng so với cùng kỳ, theo kế hoạch 3 năm mà Tập đoàn xây dựng thì năm 2018 dự kiến lỗ trên 700 tỉ đồng, như vậy năm nay sẽ cắt được khoảng 400 tỉ đồng.

Đến tháng 9 thì DAP 1 cũng đã không còn vướng bận gì về các nghĩa vụ nợ nần nên đề nghị cho phép DAP 1 thoát ra khỏi nhóm 12 dự án yếu kém vì khi thoát ra khỏi danh mục các dự án yếu kém thì công việc thoái vốn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho nhà nước và giá trị thương hiệu cũng cao hơn”.

Gánh nặng tài chính khiến DN “không ngóc đầu lên được”

Thế nhưng ngay cả khi có cơ hội để thoát ra khỏi nhóm các dự án yếu kém này cũng không hề đơn giản bởi chỉ cần sơ sểnh “chậm thanh toán nợ 1 kỳ” là ngay lập tức lại bị “lôi” trở lại nhóm. Ông Cường báo cáo: “Các dự án này vẫn còn khó khăn nhưng vay vốn đầu tư lại bị tính lãi rất cao. Ví dụ như Đạm Hà Bắc phải vay lãi suất bình quân để đầu tư của Ngân hàng BIDV với là 10,5%/năm, thời hạn vay chỉ có 12 - 13 năm. Đó thực sự là gánh nặng tài chính quá lớn.

Câu chuyện này cũng xảy ra tương tự với Đạm Ninh Bình và DAP 2. Trong khi hiện giờ nhiều ngân hàng cho vay lãi suất ngắn hạn có 8,5% mà vay đầu tư lên tới 10,5% mà kỳ hạn ngắn nên bài toán tài chính rất khó khăn. Ví dụ như theo kế hoạch năm 2018, thì doanh thu của Đạm Hà Bắc ước khoảng đạt 2.727 tỉ đồng nhưng gánh nặng tài chính quá lớn lên tới 837 tỉ đồng, tình trạng này khiến doanh nghiệp không thể ngóc được đầu lên.

Tập đoàn kiến nghị Chính phủ xem xét lại các hợp đồng cho vay để kéo dài thời gian vay và giảm áp lực tài chính. Như vậy mới có cơ hội cho doanh nghiệp vì chỉ cần chậm thanh toán 1 kỳ thôi, doanh nghiệp bị chuyển sang nợ xấu và bị phạt 150% và rất nhiều hệ lụy đi theo.

Thứ hai là về lãi suất thì xem xét cho phù hợp hơn để đúng nghĩa là lãi suất cho vay đầu tư từ ngân hàng phát triển đầu tư. Chứ như anh em mới về tập đoàn lãnh đạo 8 tháng, nhưng nhìn mức lãi suất như thế này rất muốn ngất vì cao quá”.

Không những thế, hoàn cảnh khó khăn khi cơ thể vốn đã yếu kém, các đơn vị này lại gặp phải các cơ chế làm mất đi sức cạnh tranh. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn