MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhóm bất động sản chiếm 43% giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trên toàn thị trường trong năm 2023. Ảnh: Đức Mạnh

121,1 nghìn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi

Đức Mạnh LDO | 09/03/2023 06:22

Trước bối cảnh cả trăm nghìn tỉ đồng trái phiếu có nguy cơ chậm thanh toán, chuyên gia cho rằng việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng.

12% dư nợ trái phiếu toàn thị trường chậm trả gốc lãi

Trong bối cảnh, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn. Danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ do đó đang dần tăng lên. Đến ngày 5.3.2023, có khoảng 46 đơn vị nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo ước tính từ Chứng khoán VNDirect, tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách trên rơi vào khoảng 121,1 nghìn tỉ đồng, chiếm khoảng gần 12% dư nợ trái  phiếu toàn thị trường. Khoảng gần 38,5 nghìn tỉ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 15% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán, do nhà đầu tư ở nước ngoài, lỗi kỹ thuật chuyển tiền... là những lý do mà doanh nghiệp phản hồi HNX về việc chậm trễ này.

Nhìn chung nhóm doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn khoảng 107,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trên toàn thị trường trong năm 2023.

Ước tính khối lượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn theo từng tháng trong năm 2023 (Đơn vị: tỉ đồng). Ảnh: VNDirect Research 

Hỗ trợ vốn tín dụng trong ngắn hạn là rất quan trọng

Nhằm giải toả áp lực đáo hạn, nhóm chuyên gia từ Chứng khoán VNDirect đề xuất cần thêm nhiều giải pháp quyết liệt hơn từ doanh nghiệp để củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào trái phiếu. Các doanh nghiệp bất động sản cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, tái cấu trúc sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, đồng thời có biện pháp xử lý hàng tồn kho nhằm thu tiền về để giải quyết những khó khăn hiện tại về dòng tiền.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần có phương án đẩy nhanh giải quyết các thủ tục pháp lý cho các dự án bất động sản. Tương tự như bài học từ việc xử lý khủng hoảng trái phiếu tại các nước khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng để giải quyết vấn đề thanh khoản ngắn hạn là rất quan trọng.

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường yếu, doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - ông Lê Hoàng Châu đánh giá Nghị định số 08 sẽ  tạo điều kiện và cơ hội để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục làm ra tiền để trả nợ trái chủ. Đồng thời trái chủ cũng thể hiện sự đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ trong lúc khó khăn.

Nhờ Nghị định 08, doanh nghiệp có thể được đàm phán kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm. Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc FiinRatings - nhận định đây là tín hiệu tốt khi có một quy định chuyên ngành rõ ràng, chuyển nợ xấu về tương lai là cách làm hợp lý và ngành ngân hàng đã làm.

"Với trái phiếu doanh nghiệp được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân thì có lẽ cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát. Tránh đưa nhà đầu tư vào thế khó dài hơn mà lại vẫn không xử lý dứt điểm", ông Thuân nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn