MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Media Quốc hội

128 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh thuế tối thiểu toàn cầu

Cường Ngô - Giang Linh LDO | 10/11/2023 11:05

Việc Việt Nam dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được cho là bước đi cần thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng đầu tư nước ngoài. Dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước chịu ảnh hưởng bởi thuế này.

Cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Sáng 10.11, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Theo ông Hồ Đức Phớc, thuế tối thiểu toàn cầu (thuế TTTC) không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế TTTC, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức TTTC 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Do vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tờ trình của Chính phủ khẳng định cần áp dụng thuế TTTC.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, cần thiết phải ban hành một văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của thuế TTTC - có thể kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam, thay vì để các nhà đầu tư nước ngoài nộp khoản thuế bổ sung này tại nước mẹ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh. Ảnh: Media Quốc hội

Nhiều tập đoàn trong và ngoài nước chịu tác động của nghị quyết

Về đánh giá tác động, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ đã tính toán có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết.

Đối với các tập đoàn trong nước, dự kiến có 6 tập đoàn sẽ thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết và dự kiến số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung có thể thu từ các khoản đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn này là khoảng 73 tỉ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế TTTC).

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, việc áp dụng thuế TTTC sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm và có mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%.

Có những nhà đầu tư nước ngoài mong muốn nộp thuế TTTC bổ sung tại Việt Nam, song cũng có những nhà đầu tư nước ngoài muốn nộp thuế TTTC bổ sung tại nước mẹ.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, hiện nay, dự thảo nghị quyết đang được xây dựng theo hướng, trường hợp doanh nghiệp không thống nhất với việc nộp TTTC tại Việt Nam có thể áp dụng quy định về bảo đảm đầu tư theo pháp luật về đầu tư.

Khoản 2, điều 13 Luật Đầu tư về bảo đảm đầu tư quy định như sau: "Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư".

Với quy định này của dự thảo nghị quyết và quy định của Luật Đầu tư, báo cáo thẩm tra cho rằng, ngay cả đối với những trường hợp ưu đãi đầu tư không được ghi trên Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể khiếu kiện để lựa chọn phương án tiếp tục hưởng ưu đãi đầu tư cho thời gian còn lại và sẽ nộp thuế TTTC tại nước mẹ.

Trong khi đó quy định về thuế TTTC của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD quy định quyền ưu tiên thu thuế TTTC là ở nước nhận đầu tư; nếu nội luật một nước cho phép nhà đầu tư có thể lựa chọn nơi nộp thuế TTTC bổ sung, thì văn bản nội luật này có thể bị xem là “không đạt chuẩn”.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ có quan điểm chính thức về nội dung bảo đảm đầu tư khi thực hiện thuế TTTC để có phương án quy định phù hợp trong dự thảo nghị quyết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn