MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau 3 ngày giãn cách xã hội, nguồn cung rau xanh tại Hà Nội vẫn dồi dào, hỗ trợ người tiêu dùng yên tâm chống dịch. Ảnh: Vũ Long

18,5 triệu tấn rau xanh đủ phục vụ người dân yên tâm chống dịch

Vũ Long LDO | 26/07/2021 17:23

Ngành nông nghiệp khẳng định đủ nguồn cung rau xanh phục vụ người tiêu dùng yên tâm giãn cách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp.

Không lo thiếu hụt sản lượng rau, củ

Ngày 26.7.2021, trao đổi với PV Lao Động – Cục trưởng Cục Trồng trọt (bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) – ông Nguyễn Như Cường, cho biết: Kế hoạch sản xuất rau năm 2021 đạt khoảng 995 nghìn hecta, năng suất 186 tạ/ha, sản lượng 18,5 triệu tấn.

“Dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước 14 triệu tấn (số liệu tính toán, ước tính mỗi người sử dụng 12 kg rau/tháng x 12 tháng x 96,4 triệu dân). Như vậy, trừ đi lượng rau hàng hóa, thất thoát sau thu hoạch và sử dụng cho các mục đích khác trên 4 triệu tấn, thì khả năng cung ứng rau xanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn rất dồi dào” – ông Nguyễn Như Cường thông tin.

Tại các tỉnh phía Nam, diện tích rau đạt khoảng 537 nghìn hecta, sản lượng 10,7 triệu tấn, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đạt 290 nghìn hecta, sản lượng 5,5 triệu tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, các tỉnh phía Nam đã đạt sản lượng 5 triệu tấn; vùng ĐBSCL đạt 2,9 triệu tấn.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kế hoạch của Bộ NNPTNT là trong 6 tháng cuối năm 2021, sản xuất rau xanh tại các tỉnh phía Nam khoảng 287 nghìn hecta, sản lượng 5,7 triệu tấn. Vùng ĐBSCL đạt 140 nghìn hecta, sản lượng 2,6 triệu tấn. Bình quân mỗi tháng vùng ĐBSCL cung cấp cho thị trường 433 nghìn tấn rau, chủ yếu cho tiêu thụ nội địa với khoảng 18 triệu người vùng ĐBSCL và 10 triệu người dân TPHCM. Phần còn lại chủ yếu phục vụ cho nhu cầu du lịch và đi lại của người dân trong và ngoài nước, trong đó có một số mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu ổn định như dưa hấu, ớt cay, khoai lang Nhật,...

"Sản lượng cung ứng rau tại chỗ của khu vực ĐBSCL đang rất dồi dào" - ông Nguyễn Như Cường cho hay.

Tại các tỉnh phía Bắc, diện tích rau có khoảng 458 nghìn hecta, sản lượng 7,78 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm 2021 đạt khoảng 238 nghìn hecta với sản lượng 3,93 triệu tấn. Chủng loại rau chủ yếu: Rau đay, rau mồng tơi, mướp, bí, cà, cải bắp, cà rốt, hành, rau ăn lá các loại… đủ phục vụ người tiêu dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Rau, quả nhiều, nhưng cần đến tay người tiêu dùng

Thông tin với PV Lao Động về vấn một số vướng mắc trong lưu thông nông sản, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Mặc dù rất tích cực tháo gỡ, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều vướng mắc trong khâu lưu thông, vận tải hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản bởi thời gian bảo quản ngắn, dễ hư hỏng. Trong khi đó, triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương không hoàn toàn giống nhau, tạo nhiều nút thắt.

“Hiện nay, một số tỉnh yêu cầu phải có giấy chứng nhận xét nghiệp giải trình gen PCR, nhưng cũng có tỉnh chỉ cần test nhanh. Nếu phải giải trình gen, tính ra mỗi tài xế một tháng đi 3 ngày/đợt thì phải kiểm tra 10 lần, kinh phí lên gần cả chục triệu, thì rất khó khăn cho đội ngũ tài xế, cần sớm có giải pháp tháo gỡ sớm” – Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tại Hà Nội, sau 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội, nguồn cung rau xanh vẫn ổn định, không tăng giá.

Tuy nhiên, theo Bộ NNPTNT, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, để duy trì sản xuất đặc biệt là sản xuất lúa, rau đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống, cần theo dõi sát và nắm bắt kịp thời, chính xác cung ứng hàng hóa và giá cả thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa là vấn đề quan trọng, nhưng các địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc để nguồn cung nông sản, rau xanh đến được tay người tiêu một cách đầy đủ, liên tục, giúp người tiêu dùng yên tâm thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch.

Theo Tổ công tác phía Nam của Bộ NNPTNT, đến sáng 25.7.2021, có tổng 388 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác, trong đó rau củ có 85 đầu mối; trái cây có 102 đầu mối…

Trong tổng số 388 đầu mối đăng ký, sản lượng hàng hóa có thể cung cấp đến 31.7.2021, nguồn cung dồi dào và đang có dấu hiệu dư thừa đối với nhóm hàng trái cây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn