MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài góp phần quan trọng tạo nên mức xuất siêu kỷ lục 19,1 tỉ USD của Việt Nam trong năm 2020. Ảnh: hải nguyễn

19,1 tỉ USD xuất siêu và sức hấp dẫn của một Việt Nam an toàn

Văn Nguyễn LDO | 29/12/2020 08:34
Trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm sút, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài duy trì mức tăng gần 10% trong năm 2020 và là động lực chính tạo nên kỳ tích xuất siêu cao nhất của Việt Nam trong vòng 5 năm liên tiếp kể từ năm 2016.

Kỷ lục xuất siêu 19,1 tỉ USD

Đặt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng - thương mại toàn cầu, các dữ liệu vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy sức tăng trưởng vượt bậc của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong cả năm 2020.

Cụ thể ở khu vực kinh tế trong nước, trong khi kim ngạch xuất khẩu giảm 1,1% so với cùng kỳ và kim ngạch nhập khẩu thậm chí giảm tới 10% trong cả năm 2020, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại duy trì tốc độ tăng 9,7% ở kim ngạch xuất khẩu và 13% ở kim ngạch nhập khẩu so với năm 2019. Xét ở con số tuyệt đối, chính nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương ấn tượng bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 tới kinh tế toàn cầu là yếu tố chính xác lập nên con số 543,9 tỉ USD kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong cả năm 2020. Đây là con số được coi là kỷ lục, mức cao nhất của kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam được ghi nhận từ trước đến nay và đồng thời duy trì mức tăng ấn tượng 5,1% so với năm trước đó.

Đáng chú ý, trong khi khu vực kinh tế trong nước có kết quả nhập siêu hơn 15,4 tỉ USD, Việt Nam một lần nữa xác lập kỷ lục mới với giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay với 19,1 tỉ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016 cũng nhờ kết quả tăng trưởng dương ấn tượng trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tế theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT), mặc dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh, song tính chung khu vực đầu tư nước ngoài vẫn duy trì kết quả xuất siêu trong các tháng qua và cả năm 2020, bù đắp cho con số nhập siêu của khu vực trong nước và giúp cả nước duy trì kết quả xuất siêu kỷ lục.

Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài

Tổ chức hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại, đầu tư và phát triển (UNCTAC) ước tính, các biện pháp phong tỏa chống dịch và viễn cảnh suy thoái toàn cầu trầm trọng do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 có thể khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có thể suy giảm tới 40% trong năm nay. Điều bất ngờ là dù chịu áp lực giảm chung trong làn sóng toàn cầu, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn duy trì kết quả tích cực với 24,43 tỉ USD vốn đăng ký mới, giảm 16,4% so với cùng kỳ và vốn thực hiện trong 11 tháng năm 2020 vẫn đạt 17,2 tỉ USD, chỉ giảm 2,4% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Bộ KHĐT, xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác và thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.

Bàn sâu hơn về sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) Đỗ Nhất Hoàng, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đến từ các yếu tố bên trong nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài. Trong đó ở yếu tố bên trong, môi trường đầu tư của Việt Nam có nhiều điểm lợi thế và thuận lợi sẵn có gồm chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi nằm ở trung tâm Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương cũng liên tục nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách chính sách, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động thành công tại Việt Nam. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng nổ trên toàn cầu, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh càng tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Trong khi đó trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, xung đột thương mại giữa nền kinh tế lớn cũng khiến các doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế suất cao. Hệ quả nặng nề của dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng càng khiến các quốc gia, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu đầu tư nhằm tránh sự phụ thuộc vào một quốc gia, một đối tác. Nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc nhanh chóng ban hành các chính sách ưu đãi và gói hỗ trợ để kêu gọi các doanh nghiệp dịch chuyển dây chuyền sản xuất về nước hoặc đầu tư sang nước thứ ba nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam vì vậy có nhiều cơ hội đón bắt dòng vốn dịch chuyển.

Cũng theo Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng, trong thời gian tới đây, Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các dự án như công nghệ cao, sản xuất thiết bị, vật liệu và linh kiện đầu vào cho hoạt động lắp ráp, vận tải quốc tế. Việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Để có thể đón được làn sóng đầu tư theo đúng định hướng, yêu cầu đặt ra, tới đây các bộ ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát các dự án chậm triển khai, hoạt động không hiệu quả để thu hồi, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới. Đồng thời rà soát, xây dựng danh sách các địa phương, khu công nghiệp, khu kinh tế đã chuẩn bị về hạ tầng, nhân lực, năng lượng có thể sẵn sàng tiếp nhận ngay các dự án trong dòng chuyển dịch, tái định vị sản xuất để đón dòng vốn FDI mới.

Chính sách đúng đắn giúp tạo mức xuất siêu kỷ lục

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong thời điểm thế giới đang có nhiều biến động nhưng năm 2020 Việt Nam chúng ta có thành tích mức xuất siêu kỷ lục là rất đáng mừng, đáng trân trọng.

Theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, chúng ta cố gắng đẩy mạnh giá trị gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu, đòi hỏi chúng ta phải phát triển mạnh mẽ tư nhân. Kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ngoài và tham gia chuỗi giá trị của họ. Cần phải nỗ lực thực sự, phải chuyển sang kinh tế số hóa để có thị trường vững chắc.

Còn PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, trước hết khi nói đến xuất siêu, đây là một điểm mạnh của nền kinh tế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là quốc gia lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng như Việt Nam.

Để năm 2021 duy trì và thậm chí có kết quả cao hơn năm 2020 thì cần phải chú ý mấy vấn đề cụ thể: Thứ nhất, về vấn đề xuất khẩu cần tiếp tục nắm giữ được bạn hàng ở thị trường truyền thống, để có hàng hóa giao thương đều đặn. Chúng ta cần phải có những hướng đi hợp lý, vì họ là những bạn hàng lâu năm.

Thứ hai, cần phải tiếp tục mở rộng, tìm kiếm thị trường mới. Đặc biệt dịp COVID-19 thông qua mạng thì trở thành trào lưu chung. Rõ ràng, cần tận dụng phương tiện hiện đại này để có các hợp đồng với bạn hàng mới qua nhiều cách.

Thứ ba, phải đề cao vai trò các Hiệp hội, ngành hàng cũng như của các cơ quan đại diện đại sứ quán ở các quốc gia. Thứ tư, rất quan trọng với nhập khẩu hàng hóa, để có được thặng dư thương mại thì điều quan trọng phải nhập khẩu. Cao Nguyên

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn