MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

2 mỏ vàng lớn nhất Tây Bắc đóng cửa im lìm

Nhóm PV LDO | 15/05/2024 10:05

2 mỏ vàng lớn nhất Tây Bắc đều đóng cửa im lìm do chưa được cấp phép khai thác trở lại.

Nậm Xây nằm sát Minh Lương, là 2 xã thuộc huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai từ lâu nổi tiếng là "rốn vàng" lớn nhất khu vực Tây Bắc với trữ lượng dồi dào.

Khác với các mỏ trong khu vực chủ yếu tự phát, Nậm Xây và Minh Lương sở hữu 2 mỏ vàng chính quy được Nhà nước cấp phép thuộc quản lý lần lượt của Công ty CP Nhẫn và Công ty CP Vàng Lào Cai.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, lãnh đạo UBND xã Minh Lương cho biết, trước đây mỏ vàng Minh Lương thuộc quản lý của nhà nước, từ năm 2019 chuyển sang Công ty CP Vàng Lào Cai.

Công ty CP Vàng Lào Cai ở xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Bảo Nguyên

“Dù hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn nhưng doanh nghiệp này không có đóng góp gì cho địa phương và cũng không tham gia tổ chức công đoàn. Nhiều năm nay, công ty này nợ thuế Nhà nước và không đảm bảo các quy định về môi trường nên chưa được cấp phép khai thác lại”, lãnh đạo UBND xã Minh Lương thông tin.

Sau thời gian dài nợ thuế hơn 14,5 tỉ đồng, Công ty CP Nhẫn đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào đầu tháng 4.2024 đồng thời đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ vàng Sa Phìn - lớn thứ 2 ở khu vực Tây Bắc nằm trên địa phận xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên, mới đây Cục Khoáng sản Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trả lại hồ sơ do "không đủ điều kiện để thẩm định". Cơ quan này yêu cầu doanh nghiệp phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện theo ý kiến góp ý tại phiếu kiểm tra hồ sơ.

Trước đó, ngày 28.8.2008, Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên khoáng sản III, thuộc Tổng Công ty Than và Khoáng sản Việt Nam công bố kết quả khảo sát, thăm dò tại mỏ vàng Minh Lương.

Một góc mỏ vàng Minh Lương. Ảnh: Bảo Nguyên

Bước đầu, các chuyên gia xác định trữ lượng vàng ở mỏ Minh Lương có khoảng hơn 6 tấn. Đây là trữ lượng vàng lớn nhất ở khu vực Tây Bắc từ trước đến nay.

Khu vực Sa Phìn thuộc quản lý của Công ty Cổ phần Nhẫn.

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, Công ty Cổ phần Nhẫn khai thác vàng gốc tại khu vực Sa Phìn (dự án của Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Nhẫn) khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất phần diện tích 84ha.

"Việc chuyển nhượng dự án từ Công ty Cổ phần Khoáng sản 3 cho Công ty Cổ phần Nhẫn từ tháng 12.2015 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận (đến tháng 7.2016 mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép) là vi phạm Luật Khoáng sản. Trách nhiệm thuộc về hai doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường", Thanh tra Chính phủ kết luận.

Khu vực mỏ vàng Sa Phìn hiện chỉ có người dân địa phương ra vào mót củi. Ảnh: Bảo Nguyên

Đến tháng 3.2022, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản vàng gốc Sa Phìn và Tsu Ha, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn nhằm phục hồi môi trường khu vực khai thác để đưa mỏ về trạng thái an toàn, quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Diện tích đóng cửa mỏ trên 26ha.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn