MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy Amkor tại Bắc Ninh. Ảnh: Vân Trường

2 nhà máy bán dẫn trị giá hàng tỉ USD đi vào hoạt động đang tạo sức hấp dẫn mới

Vân Trường LDO | 25/10/2023 11:45

Chuyên gia đánh giá việc 2 nhà máy bán dẫn trị giá hàng tỉ USD cùng đi vào vào động chỉ trong một tháng tại Bắc NinhBắc Giang đem đến nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Sức hấp dẫn của Việt Nam

Chỉ trong vòng 1 tháng vừa qua, tại Bắc Ninh và Bắc Giang đã liên tiếp khánh thành và đưa vào vận hành 2 nhà máy bán dẫn trị giá hàng tỉ USD.

Cụ thể, tại Bắc Ninh, tập đoàn Amkor (Mỹ) tổ chức lễ khánh thành nhà máy Amkor Technology VN.

Với tổng vốn đầu tư 1,6 tỉ USD, sau khi hoàn thành, toàn bộ hệ thống nhà xưởng trên diện tích 23ha ở Khu công nghiệp Yên Phong II-C sẽ là trung tâm sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới trong mạng lưới phát triển của tập đoàn này.

Còn tại Bắc Giang, tập đoàn Hana Micron (Hàn Quốc) vừa chính thức đưa nhà máy bán dẫn thứ hai ở Bắc Giang vào hoạt động. Theo kế hoạch, Hana Micron VN sẽ là cơ sở sản xuất số 1 trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn này và công ty dự kiến nâng vốn đầu tư dự án ở Việt Nam lên hơn 1 tỉ USD trong năm 2025.

Công nhân sản xuất linh kiện điện tử trong KCN ở Bắc Ninh. Ảnh: Vân Trường

Theo các chuyên gia, sự hình thành ngày càng nhiều các dự án lớn đang cho thấy sức hấp dẫn của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng sẽ là một trong những lĩnh vực quan trọng được nghiên cứu sâu sau khi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được đưa vào hoạt động vào cuối tháng này.

Công nghiệp bán dẫn đang được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên toàn cầu. COVID-19 đã khiến nguồn cung chất bán dẫn thiếu trầm trọng và đó là cơ hội để phát triển các dự án bán dẫn quy mô lớn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (trụ sở tại Mỹ), doanh thu chip bán dẫn toàn cầu năm 2022 là khoảng 556 tỉ USD.

Cần tận dụng cơ hội

Tại các cuộc trao đổi mới đây, TS Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá, công nghiệp bán dẫn đang hiện diện ở 3 trung tâm gồm khu vực phía Bắc xung quanh Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang; khu vực phía Nam có TP. Hồ Chí Minh; và một trung tâm khác là Đà Nẵng.

Tuy vậy, sản xuất công nghiệp bán dẫn chủ yếu trong tay doanh nghiệp FDI, sản xuất ở những công đoạn có giá trị thấp như lắp ráp, đóng gói…

Ông Nguyễn Thanh Tuyên cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược phát triển công nghệ vi mạch, trong đó, sẽ có quy hoạch cụ thể định hướng phát triển theo lợi thế từng địa phương.

Ví dụ sẽ có những địa phương phát triển theo hướng đang có như xây dựng nhà máy sản xuất chip vi mạch (Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh…), nhưng cũng sẽ có những địa phương tập trung vào mảng công nghệ vi mạch, ví dụ như Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin – Truyền thông. Ảnh: VGP

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Đăng Hòa - Chủ tịch FPT IS, Công ty Thành viên Tập đoàn FPT - cho biết, Việt Nam có thể nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, về lâu dài có thể trở thành Silicon Valley của Đông Nam Á.

Theo ông Hoà, có 4 mảng chính Việt Nam sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới gồm: Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển năng lực thiết kế của các công ty Việt Nam, dần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thu hút, cùng xây dựng nhà máy bán dẫn ở Việt Nam, đồng thời trở thành địa điểm có nhiều nhà máy bán dẫn, tập trung vào sản xuất những con chip lớn và phổ biến.

Phát triển thành trung tâm về vận chuyển, kho bãi trở thành mạng lưới phân phối cho khu vực Đông Nam Á, rồi tới châu Á - Thái Bình Dương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn