MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà đầu tư cần một thị trường minh bạch và lành mạnh hơn. Ảnh: Thế Lâm

20 năm phát triển thị trường chứng khoán VN: Minh bạch để phát triển lành mạnh hơn

Thế Lâm LDO | 20/07/2020 07:59

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tròn 20 tuổi đang đặt ra nhiều yêu cầu cần cải thiện, thay đổi để tăng cường tính minh bạch giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn. Trong đó, trọng tâm là nâng cao tính minh bạch của các doanh nghiệp (DN) niêm yết nhằm bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư.

Vẫn còn giao dịch nội gián

Chuyên viên môi giới Lê Thành Đạt (Công ty chứng khoán SSI - CTCK) cho rằng, trong giao dịch chứng khoán việc có được thông tin sớm sẽ mang đến lợi thế hàng đầu, và cũng là nguyên nhân dẫn đến những giao dịch nội gián. “Trên thị trường, có sự hoạt động của một vài cổ phiếu, chỉ cần nhìn vào thôi cũng biết là giao dịch nội gián, thao túng cổ phiếu (kể cả cổ phiếu nằm trong VN30). Một câu hỏi lớn đặt ra, là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có nhận ra tình trạng này không?”, ông Đạt đặt vấn đề.

Theo ông Ngụy Văn Hùng - Giám đốc tư vấn của CTCK VPS, giao dịch nội gián ở thị trường chứng khoán Việt Nam “hơi mạnh” và không khó để nhận ra. Cũng theo ông Hùng, nhiều thông tin hay báo cáo tài chính (BCTC) hàng quý, 6 tháng có dấu hiệu cho thấy được các quỹ biết trước, từ đó họ “đánh trước”, trong khi nhà đầu tư (NĐT) cá nhân biết được muộn hơn, sau 1-2 tuần, cho nên thiệt thòi.

Sự thiếu minh bạch trong việc công bố thông tin từ các DN niêm yết khiến NĐT cá nhân hay thua thiệt dẫn đến nản, mất niềm tin vào thị trường. Ông Hùng cho rằng, quy định về công bố thông tin và các biến động cần phải làm chặt hơn, cụ thể chi tiết hơn ở các báo cáo hàng quý, 6 tháng. UBCK cần có quy định buộc các phòng quan hệ cổ đông của các DN niêm yết phải có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho NĐT cá nhân. Ông Đạt đề nghị thêm, UBCK cần quy định việc công bố thông tin theo từng tháng ngoài các BCTC quý, bán niên để NĐT nắm thông tin doanh nghiệp nhanh chóng và thường xuyên. “Có thể quy định các doanh nghiệp có mức vốn hóa từ bao nhiêu trở lên phải công bố thông tin hàng tháng”, ông Đạt đề xuất.

Theo phân tích của bà Bùi Thị Kim - Trưởng phòng kinh doanh của CTCK Yuanta Việt Nam, tình trạng giao dịch nội gián và các “đội lái” có lẽ ở thị trường nào cũng có. Tuy nhiên, thị trường việt Nam với giá trị dung lượng chưa cao cho nên dễ bị các “đội lái” thao túng đánh lên hoặc đánh xuống nhằm trục lợi. “Vấn đề cốt lõi nằm ở ban lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết để rò rỉ thông tin ra bên ngoài trước khi công bố hoặc móc nối, cấu kết với các “đội lái” nhằm trục lợi. Tuy nhiên chế tài hiện nay còn nhẹ, các mức phạt cao nhất cũng chỉ hơn trăm triệu đồng”, bà Kim nói.

Lọc kỹ doanh nghiệp lên sàn, tiến tới T0

Một trong những vấn đề của TTCK Việt Nam hiện nay được ông Hoàng Sơn - Giám đốc chiến lược thị trường của CTCK MB - nêu ra là chất lượng của không ít DN niêm yết chưa cao. “Cần có những quy định chặt hơn để lọc trường hợp doanh nghiệp kém chất lượng được đưa lên sàn. Tình trạng hiện nay là có một số doanh nghiệp thổi vốn, tăng vốn ảo gây rủi ro cho vay margin (vay giao dịch ký quỹ - PV) của các CTCK”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, theo bà Bùi Thị Kim, việc “make up” (làm đẹp) các báo cáo tài chính hay hồ sơ để lên sàn là tình trạng chung và cũng là ý chí của nhiều DN chuẩn bị niêm yết. Vấn đề là các sở giao dịch CK, UBCK làm sao có những biện pháp, công cụ để thanh tra, rà soát, hậu kiểm nhằm hạn chế các rủi ro cho NĐT trên thị trường.

Điều mà các NĐT mong mỏi nhất hiện nay theo ông Ngụy Văn Hùng, chính là rút ngắn biên độ thời gian giao dịch ngày T và có lộ trình nhanh chóng để tiến tới T0. Thị trường hiện nay thực hiện theo thời gian T+2 nhưng thực chất là T+3 vì cuối ngày giao dịch T+2 cổ phiếu và tiền mới về tài khoản. Ông Hùng cho rằng, việc rút ngắn ngày T sẽ kích thích thị trường đặc biệt là NĐT cá nhân sẽ tăng được tính chủ động, linh hoạt vì tiền và cổ phiếu về tài khoản của họ sớm sủa hơn.

Vấn đề rút ngắn ngày T cũng được ông Hoàng Sơn và bà Bùi Thị Kim nhận định là việc cần phải có lộ trình thực hiện sớm. “T0 thì nhà đầu tư nào cũng muốn vì điều này cũng kích thích tính thanh khoản trên thị trường. Nhưng vấn đề đang còn vướng mắc ở đâu mà chưa triển khai thì chỉ có các cơ quan quản lý mới biết rõ”, ông Sơn nói.

3 doanh nghiệp trị giá trên 10 tỉ USD trên sàn chứng khoán

Tính đến hết phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 17.7, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có trên 20 doanh nghiệp (DN) niêm yết có giá trị vốn hóa (GTVH) tương đương từ 1 tỉ USD trở lên. Trong đó, có 3 doanh nghiệp niêm yết đạt giá trị vốn hóa trên 10 tỉ USD. Theo bảng thống kê trên vn.tradingview.com, 3 DN niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường được gọi là “Big Three” đều ở trên sàn HoSE, lần lượt xếp vị trí từ 1-3 là mã cổ phiếu VIC của Vingroup, mã VCB của Vietcombank và mã VHM của Công ty cổ phần Vinhomes - một Cty con thuộc Vingroup.

Như vậy ở 3 vị trí đầu, riêng Vigroup đã chiếm đến 2 vị trí, và là doanh nghiệp tư nhân, chỉ có mã VCB của Vietcombank là doanh nghiệp cổ phần quốc doanh với vốn nhà nước chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nếu mở rộng ra Top 15 thì Vingroup có đến 3 mã (thêm VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail), với giá trị vốn hóa của mỗi doanh nghiệp đều thuộc hàng tỉ đô. Thế Lâm

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn