MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán gặt hái được nhiều thành công trong 20 năm qua. Ảnh minh họa

20 năm phát triển thị trường chứng khoán VN: Một “cơ ngơi” ổn định, an toàn trong kinh tế thị trường

Cao Nguyên LDO | 20/07/2020 07:23

Từ chỗ chỉ là “mảnh đất trống”, sau 20 năm hình thành và phát triển (20.7.2000 - 20.7.2020), đến nay thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã trở thành một “cơ ngơi có vị thế”, phát triển ổn định, an toàn trong nền kinh tế thị trường nói chung và hệ thống tài chính nói riêng.

Dấu ấn đầu tiên

Ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) được thành lập ngày 26.11.1996 với nhiệm vụ ban đầu là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hình thành TTCK. Ngày 20.7.2000, Trung tâm GDCK TPHCM chính thức khai trương hoạt động và tổ chức phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28.7.2000, trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam.

Ngày giao dịch đầu tiên đã được tổ chức thành công với 2 cổ phiếu niêm yết là REE (CTCP Cơ điện lạnh) và SAM (CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông) với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết 270 tỉ đồng và có sự tham gia của 6 CTCK thành viên (SSI, FSC, BVSC, ACBS, TLS, BSC). Biên độ dao động giá được áp dụng: ± 2% đối với cổ phiếu, ±1,5% đối với trái phiếu. Khớp lệnh 1 lần/1 ngày, 3 ngày 1 tuần, thời gian giao dịch từ 9 giờ đến 11 giờ, chưa thực hiện giao dịch thỏa thuận, chu kỳ thanh toán T+4.

Phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã được tổ chức vào ngày 26.7.2000 và đến ngày 4.8.2000, TTCK có thêm sản phẩm niêm yết mới là Trái phiếu Chính phủ CP1- 0100. Ngày 15.11.2000, trái phiếu doanh nghiệp đầu tiên, mã BID1_100, được giao dịch trên sàn. Tính đến ngày 29.12.2000, chỉ số VN-Index đạt mốc 206,83 điểm, tăng 106,83% so với phiên giao dịch đầu tiên, tổng giá trị giao dịch đạt 92 tỉ đồng với tổng khối lượng giao dịch hơn 3,66 triệu cổ phiếu. Cuối năm, có 5 cổ phiếu và 4 trái phiếu được niêm yết với tổng giá trị niêm yết lần lượt đạt 321,178 tỉ đồng và 1.183 tỉ đồng.

TTCK phát triển tăng quy mô và chiều sâu

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, khoảng thời gian 20 năm giúp TTCK Việt Nam phát triển mạnh mẽ từ một thị trường sơ khai, non trẻ đã trở thành một thị trường có quy mô đáng kể (so với GDP) trong khu vực. Trong quá trình phát triển đó, những tồn tại bất cập đã dần được khắc phục. Tuy nhiên, để thị trường thực sự lớn về quy mô, trở nên chuyên nghiệp, hiện đại, bắt kịp với thế giới, do đó vẫn còn một số điểm cần cải thiện.

TS Cấn Văn Lực cũng nhấn mạnh, 20 năm chưa phải là dài nhưng cũng đủ để nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam với những bước tiến vượt bậc, từ chỗ chỉ là “đất trống” đến nay đã là một “cơ ngơi có vị thế” trong nền kinh tế thị trường nói chung và hệ thống tài chính nói riêng.

“Cơ ngơi này có khang trang, bề thế hay không còn tùy thuộc vào tầm nhìn, chiến lược, sách lược và hành động của các bên liên quan. Mặc dù vậy, chúng ta có quyền tin tưởng rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục vươn xa hơn nữa để 20 năm sau ta nhìn lại sẽ thấy một “cơ đồ khang trang và vững chắc hơn…” - TS Lực kỳ vọng.

Ông Dominic Scriven, OBE - Chủ tịch Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital chia sẻ, việc mà Việt Nam làm 20 năm vừa rồi là khá thành công và vai trò của thị trường vốn của Việt Nam được xác định là then chốt cho nền kinh tế, then chốt cho ngành tài chính. Xuất phát điểm từ số 0 tròn trĩnh, TTCK Việt Nam đã vượt qua bao thăng trầm để có được quy mô như hiện nay, quả là một thành tựu vô cùng to lớn.

Theo ông Dominic Scriven, OBE khái niệm “đi từ số 0 đến số có” là một chuyện vô cùng quan trọng. Việc cho ra đời TTCK đã tạo ra một khái niệm, một phạm trù mà trước đây Việt Nam chưa từng có. Tạo ra những cái mà mình chưa có kinh nghiệm là rất khó, dĩ nhiên mình có học hỏi kinh nghiệm của các nước đã có TTCK, nhưng phải triển khai sao cho phù hợp với Việt Nam. Việc đi từ số 0 đến 1 có thể được gọi là việc tạo ra “sự sống” với các khái niệm về TTCK.

Ngoài ra, khi đã tạo ra được “sự sống” cho TTCK thì chúng ta phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và phát triển “sự sống” này. Phải có những khái niệm về xây dựng và phát triển TTCK, tăng quy mô, tăng chiều rộng, chiều sâu, phát triển về quy mô hoạt động, về vai trò của TTCK…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn