MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các dự án điện gió ở Việt Nam đang bị chậm tiến độ, chưa thể vận hành thương mại vào tháng 11 tới.

25 dự án điện gió không kịp "chạy" vào tháng 11 do dịch COVID-19, GWEC xin nới thêm 6 tháng

Lan Chi LDO | 12/10/2021 10:45
Theo Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), ước tính đến ngày 22.7.2021, có khoảng 25 dự án với tổng công suất trên 1.912 MW có thể sẽ không kịp vận hành thương mại trước ngày 1.11 năm nay. Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu - GWEC đã đề xuất với Chính phủ Việt Nam gia hạn thêm ít nhất 6 tháng cho các dự án có đủ điều kiện được áp dụng cơ chế giá FIT.

Các dự án điện gió ngưng trệ vì COVID-19

“Cơn lốc” đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của nền kinh tế. Các dự án điện gió đang thi công, chủ yếu tập trung ở phía Nam bị gián đoạn do thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, tiến độ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều dự án đã và đang có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội được hưởng cơ chế giá ưu đãi FIT khi thời hạn tháng 10 sắp đến. 

Theo Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), ước tính đến ngày 22.7.2021, có khoảng 25 dự án với tổng công suất trên 1.912 MW có thể sẽ không kịp vận hành thương mại trước ngày 1.11 năm nay. Nhưng theo khảo sát của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu - GWEC thực hiện tháng 8 vừa qua với các công ty phát triển dự án và nhà sản xuất trang thiết bị, con số này cao hơn gấp 2 lần. 

Công nhân trên công trình điện gió tại Sóc Trăng. Ảnh Vastas

Sẽ có khoảng 4.000MW (tương đương 71%) công suất lắp đặt của những dự án đã đăng ký nối lưới sẽ không kịp hạn cấp chứng nhận vận hàng thương mại (COD) trước ngày 01.11.2021. Như vậy, nguy cơ mất trắng hơn 20.000 việc làm có thể xảy ra

Vì vậy, những dự án này cần những biện pháp hỗ trợ và những điều chỉnh kịp thời từ chính sách để giảm thiểu thiệt hại do không kịp vận hành đúng hạn vì dịch bệnh gây ra. GWEC cũng chỉ ra những thiệt hại, rủi ro tài chính ở mức 6,51 tỷ USD về chi phí tài sản cố định (dựa trên mức chi phí trung bình của các dự án điện gió tại Việt Nam), và 151 triệu USD chi phí vận hành hàng năm do chậm tiến độ.

Để tháo gỡ vấn đề này, GWEC đề xuất với Chính phủ Việt Nam một số biện pháp, trong đó trước mắt gia hạn thêm ít nhất 6 tháng cho các dự án có đủ điều kiện được áp dụng cơ chế giá FIT với các tiêu chí rõ ràng.

Theo ông Ben Backwell, CEO của GWEC nhận định: “Tại Việt Nam, triển khai các gói cứu trợ COVID-19, hoặc gia hạn thời hạn cho các dự án đến ngày vận hành là cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp gió trên bờ non trẻ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch”.  

Do tác động của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đóng cửa khiến người lao động bị mất việc làm tăng cao. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 và 8 tháng đầu năm nay, hơn 85.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Gỡ thế khó cho các dự án điện gió hiện tại cũng chính là giải quyết bài toán việc làm đang đè nặng lên Chính phủ sau đại dịch. Những dự án điện gió đang trên đà hoàn thành tiến độ thực sự là điểm sáng để phát triển và tạo thêm nhiều việc làm “xanh” cho người lao động hiện tại và tương lai. 

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của điện gió

Với hơn 3.000 km bờ biển và nằm trong top 10 khu vực có nhiều gió nhất thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn tài nguyên gió dồi dào, nhiều tiềm năng để phát triển điện gió so với các nước trong khu vực.

Dự án điện gió V3 Ba Trì, Bến Tre. Ảnh Vestas

Được thiên nhiên ưu đãi, chính sách rộng mở, điện gió Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm, đầu tư của nhiều nhà cung cấp giải pháp hàng đầu thế giới tham gia vào nhiều dự án như AC Energy (Phi-líp-pin), Renova Inc (Nhật Bản), Banpu Power (Thái Lan), UPC Renewables (Mỹ), Vestas (Đan Mạch), ...   và tạo ra hàng ngàn việc làm “xanh”. 

Ông William Gaillard – Phó Chủ tịch Kinh doanh Vestas châu Á -Thái Bình Dương chia sẻ: “Có mặt ở Việt Nam từ 2011, Vestas đang có 35 dự án, tổng công suất 1,5 GW, với hơn 200 lao động.  Hiện tại, Vestas đã cung cấp gần một nửa công suất gió, đưa Việt Nam trở thành một trong các thị trường lớn nhất của Vestas ở châu Á”.

Theo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu - GWEC, một dự án điện gió trên bờ có công suất 4.000MW và vòng đời 25 năm, có thể tạo ra 20.900 việc làm. Phần lớn sẽ là lao động nội địa được phân bổ trên cả chuỗi giá trị, bao gồm phát triển dự án, vận tải, xây lắp, vận hành và bảo dưỡng.

GWEC cũng đánh giá Việt Nam là một trong 10 thị trường có nhu cầu đào tạo nhân lực lớn nhất cho ngành điện gió trong 5 năm tới, tạo ra nhiều việc làm “xanh” có đào tạo để đáp ứng nhu cầu cho một chuỗi cung ứng trưởng thành ở Việt Nam.

“Với chi phí lao động thấp hơn, chính phủ ổn định và cơ sở hạ tầng hoàn thiện, Việt Nam đang chứng tỏ là một điểm đến hấp dẫn của các dự án điện gió”, ông Purvin Patel  – Chủ tịch kiêm CEO của Vestas châu Á Thái Bình Dương cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn