MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

27 ngày nữa, đường ngoại nhập ồ ạt tràn vào “đe doạ” ngành mía đường

L.V LDO | 03/12/2019 14:51

Từ 1.1.2020, đường ngoại nhập trong khối ASEAN được hưởng thuế suất ưu đãi và không hạn ngạch sẽ ồ ạt vào Việt Nam, đe dọa ngành mía đường trong nước.

Trong khi hàng trăm nghìn tấn đường đang tồn kho chưa tiêu thụ được, ngành mía đường trong nước lại đối mặt với thách thức khi từ 1.1.2010, đường nhập ngoại chính ngạch không hạn ngạch với thuế suất ưu đãi sẽ ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam.

Từ 1.1.2020, khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, sẽ xóa bỏ hạn ngạch và giảm thuế nhập khẩu đường về 5% thực sự sẽ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước.

Tiên lượng trước những khó khăn này, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, các doanh nghiệp mía đường trong nước đã giảm bớt sản lượng sản xuất mía đường trong niên vụ 2019-2020.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), dự báo, tổng nhu cầu đường phục vụ sản xuất, tiêu dùng của Việt Nam trong năm 2020 ước tính khoảng 1,8 triệu tấn. Tuy nhiên, niên vụ mía đường 2019-2020, các nhà máy đường trong nước dự kiến chỉ sản suất dưới 1 triệu tấn, giảm 50% nhu cầu tiêu dùng của cả năm.

Lý giải nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp chỉ lên kế hoạch sản xuất 50% sản lượng đường cần tiêu thụ, một chuyên gia “lão làng” trong ngành mía đường khẳng định đường sản xuất ra không thể cạnh tranh nổi với đường ngoại nhập lậu. Bên cạnh đó, vẫn còn ít nhất nửa triệu tấn đường đang tồn kho chưa thể bán. “Số lượng đường tồn kho năm nào cũng có, cộng dồn lại, có thời điểm lên đến 600-700 nghìn tấn”-vị chuyên gia này cho biết.

Một điều mà ai cũng nhận thấy, là từ 1.1.2020, khi ATIGA được thực thi, đường nhập khẩu sẽ vào Việt Nam với số lượng không hạn chế, cùng với mức thuế suất ưu đãi chắc chắn sẽ nhấn giá đường kính trên thị trường giảm sâu hơn nữa. Với mức bán 13.000 đồng/kg, người sản xuất và kinh doanh đường không có lãi. Trong khi đó, dự báo giá đường năm 2020 sẽ xuống dưới mức giá này. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam - ông Phạm Quốc Doanh đã nhiều lần khẳng định: Đường kính sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với đường Thái Lan ở mức giá 8.000-9.000 đồng/kg. Hơn nữa, chất lượng đường nhập ngoại đang vượt trội.

Còn theo VSSA trước đó, ở niên vụ 2018-2019 các nhà máy đều điều chỉnh giảm sản lượng đường sản xuất. Ở niên vụ 2019-2020,  các nhà máy đường trong nước đã dự kiến sơ bộ kế hoạch sản xuất với tổng diện tích mía nguyên liệu là 157.809ha (giảm 18% so với niên vụ 2018-2019); sản lượng mía ép khoảng 9,75 triệu tấn (giảm 20%); tổng sản lượng đường là 967.823 tấn (giảm 18%).

Để duy trì sản xuất, VSSA đã khuyến cáo các nhà máy đường cân đối đưa ra giá mua mía niên vụ 2019-2020 bảo đảm cho người nông dân có thể sống được với cây mía. Tùy vào hoàn cảnh thực tế địa phương, các doanh nghiệp đường phải cùng nông dân xây dựng giá mua mía sao cho bù đắp đủ các chi phí đã bỏ ra và cộng thêm khoảng 10% lợi nhuận để nông dân tồn tại và tiếp tục trồng mía. Đây cũng là một nguyên tắc đang được áp dụng tại các nước có ngành mía đường trong khối ASEAN.

Các doanh nghiệp sản xuất đường cần công bằng, sòng phẳng với nông dân trong vấn đề định lượng trữ đường. Có như vậy mới khuyến khích nông dân gắn bó với cây mía trong giai đoạn khó khăn  này.

Nếu không, “khi đường ngoại giá rẻ ồ ạt đổ bộ vào, ngành mía đường trong nước không thể cạnh tranh nổi, nguy cơ bị khối ngoại thâu tóm, trở thành doanh nghiệp làm thuê cho nước ngoài là khó tránh khỏi”-Nguyên Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam Phạm Quốc Doanh nhiều lần cảnh báo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn