MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một nhà máy sản xuất TPCN. Ảnh minh họa

3.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng có nguy cơ buộc ngừng hoạt động

T.Linh LDO | 30/07/2018 10:39
Theo Nghị định 15 của Chính phủ, từ 1.7.2019, tất cả những cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe nếu không đạt chuẩn GMP sẽ không được tiếp tục sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế - cho biết: Ngày 2.2.2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 15 hướng dẫn chi tiết thi hành Luật ATTP thay thế cho Nghị định 38 trước đây. Trong Nghị định mới này có một nội dung quy định về việc, từ ngày 1.7.2019, tất cả các cơ sở sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP.

Trước đây, chúng ta mới chỉ có quy định điều kiện sản xuất chung với tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm nói chung chứ chưa chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn sản xuất đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Cục trưởng Cục ATTP cho biết: Thực tế qua kiểm tra, rất nhiều doanh nghiệp hiện đã đạt được tiêu chuẩn GMP nhưng cũng còn rất nhiều doanh nghiệp chưa đạt tiêu chuẩn này. Nếu kéo dài tình trạng như vậy sẽ gây mất bình đẳng trong sản xuất kinh doanh và nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

"Trong khi, nhiều cơ sở muốn đạt GMP phải đầu tư rất lớn thì ngược lại không ít cơ sở chỉ cần thuê một căn hộ, một nhà xưởng lụp xụp, trang bị một vài thiết bị đóng gói… là đã sản xuất thực phẩm chức năng và đưa sản phẩm ra thị trường, người tiêu dùng chịu thiệt"- ông Phong nhấn mạnh. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, ở nước ta có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng đúng theo các tiêu chuẩn GMP thì chúng tôi ước tính, số lượng cơ sở đủ điều kiện chỉ vào khoảng 300 cơ sở.

Với những cơ sở này, theo lộ trình thực hiện GMP đã được đề ra, nếu sau ngày 1.7.2019 mà vẫn không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất.

Theo ông Phong, thực tế là không lo thiếu thực phẩm chức năng mà chỉ lo làm sao có đủ thực phẩm chức năng tốt, đảm bảo chất lượng và loại bớt các sản phẩm được sản xuất bởi các cơ sở không đảm bảo chất lượng, điều kiện quy định.

Theo ông Phong, sau khi được cấp chứng nhận GMP, công suất sản xuất của các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều. Bởi hiện nay, chính các cơ sở này tuy được đầu tư lớn, dây chuyền hiện đại nhưng cũng chưa sản xuất hết công suất bởi chịu sự cạnh tranh không bình đẳng từ các cơ sở nhỏ lẻ, không đạt tiêu chí GMP.

Với những cơ sở không đạt tiêu chuẩn GMP sẽ không được sản xuất nữa. Khi đó, các sản phẩm của các cơ sở này nếu còn có nhu cầu của thị trường, còn nhu cầu sản xuất thì có thể đưa vào các nhà máy được chứng nhận GMP để sản xuất. Khi đó, lượng sản phẩm sẽ tăng lên và quan trọng nhất là được kiểm soát chất lượng chặt chẽ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn