MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãi suất huy động tăng vọt từ cuối năm 2022 thúc đẩy nguồn tiền gửi dân cư vào các ngân hàng. Ảnh: Cẩm Hà

300.000 tỉ đồng tiền gửi doanh nghiệp bị rút khỏi ngân hàng

Lam Duy LDO | 03/07/2023 18:07

Chỉ trong ít tháng đầu năm, số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế sụt giảm tới gần 300.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022.

Như Lao Động phản ánh, dữ liệu tổng phương tiện thanh toán và số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục gây chú ý, do mức sụt giảm rất lớn (5,02%) của số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế, trong khi tăng mạnh tới 7,96% của nguồn tiền gửi dân cư.

Cụ thể, theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế tiếp tục giảm thêm hơn 8.800 tỉ đồng so với tháng 3, xuống còn hơn 5,654 triệu tỉ đồng vào thời điểm cuối tháng 4.2023.

Như vậy, chỉ trong 4 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cho hay, số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế tại các ngân hàng sụt giảm tới trên 5% so với thời điểm cuối năm 2022.

So sánh với số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại thời điểm cuối tháng 12.2022, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng ở thời điểm hiện nay sụt giảm tới gần 300.000 tỉ đồng.

Tiền gửi của tổ chức kinh tế liên tục tăng mạnh trong 10 năm qua trước khi chững lại vào đầu năm 2023. Ảnh: Chụp màn hình

Với tổng số dư là hơn 5,654 triệu tỉ đồng, lượng tiền gửi của các doanh nghiệp tại ngân hàng hiện chỉ còn nhỉnh hơn đôi chút với thời điểm cuối năm 2021 là 5,645 triệu tỉ đồng.

Diễn biến này cho thấy đang có sự dịch chuyển một nguồn tiền gửi lớn của các doanh nghiệp ra khỏi ngân hàng, có thể bắt nguồn từ nguyên nhân tình hình tài chính của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hoặc xu hướng dịch chuyển nguồn tiền đổ vào các kênh đầu tư kinh doanh khi thị trường đang có một số dấu hiệu khởi sắc.

Trước đó vào cuối năm 2021, thị trường ngân hàng cũng chứng kiến sự lệch pha nguồn tiền gửi vào ngân hàng, nhưng ở chiều ngược lại khi nguồn tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn tiền gửi dân cư.

Cụ thể trong năm 2021, dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tốc độ tăng trưởng tiền gửi của tổ chức kinh tế trong hệ thống ngân hàng cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư.

Vào thời điểm tháng 12.2021, tiền gửi của tổ chức kinh tế trong hệ thống các tổ chức tín dụng đạt trên 5,645 triệu tỉ đồng, tăng 15,73% so với cuối năm 2020. Trong khi tiền gửi của dân cư đạt nhỉnh hơn 5,3 triệu tỉ đồng, tăng 3,08% so với cuối năm 2020.

Lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế tại ngân hàng hiện nay chỉ xấp xỉ thời điểm cuối năm 2021. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước

Ở thời điểm trên, nhiều tổ chức đầu tư nhận định, việc tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng nhanh hơn là bởi trong 2 năm dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, nhiều dự án đầu tư không thể triển khai dẫn đến hoạt động giải ngân vốn đầu tư chậm lại, một bộ phận vốn đầu tư phải nằm chờ trên tài khoản ngân hàng.

Sự phục hồi chậm chạp của hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch và những khó khăn tiềm ẩn cũng khiến không ít doanh nghiệp phải thận trọng trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, diễn biến các kênh đầu tư khác như bất động sản phục hồi và chứng khoán tăng trưởng mạnh thúc đẩy xu hướng rút tiết kiệm để đầu tư kinh doanh và theo đó thu hút mạnh nguồn tiền gửi của các nhóm khách hàng dân cư.

Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất "bình lặng" trong suốt cả năm 2021, các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn và là yếu tố khiến lượng tiền gửi của dân cư vào ngân hàng tăng trưởng chậm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn