MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

3,5 tỉ USD vốn FDI đổ vào bất động sản

TRÍ MINH LDO | 28/09/2022 10:36

Bên cạnh 2 dòng vốn quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đến cuối tháng 9.2022, đã có 3,5 tỉ USD vốn FDI từ đầu năm được đổ vào lĩnh vực này.

Nguồn vốn FDI quan tâm nhiều đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Ảnh: LD
Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20.9, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 18,7 tỉ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong danh sách các ngành thu hút vốn đầu tư FDI trong 8 tháng qua với hơn 3,5 tỉ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đầu tư đăng ký. Con số này tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái với chỉ gần 1,8 tỉ USD.

Có 1.355 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 11,8% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký đạt 7,12 tỉ USD (giảm 43% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, có 769 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 13,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 8,3 tỉ USD (tăng 29,9% so với cùng kỳ); 2.697 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 4,7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 3,28 tỉ USD (tăng 1,9% so với cùng kỳ).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021 và những biến động khó lường của thế giới trong thời gian gần đây, song vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đã tiếp tục tăng, lần lượt là 29,9% và 1,9%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,1 tỉ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cũng trong 9 tháng, đã có 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,75 tỉ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 24,3% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3,8 tỉ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đầu tư, giảm 2,38% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,9 tỉ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư.

TPHCM là địa phương dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,96 tỉ USD, chiếm 15,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp đến là Bình Dương với tổng vốn đầu tư trên 2,7 tỉ USD, chiếm 14,4% tổng vốn, tăng trên 58% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,78 tỉ USD, chiếm 9,5% tổng vốn và tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tính lũy kế đến ngày 20.9, cả nước có 35.725 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 431,5 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 267 tỉ USD, bằng 61,9% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn