MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều cần lưu ý để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt mất hàng hóa. Ảnh minh họa: TL

36 container hạt điều có nguy cơ bị chiếm đoạt, cần khắc phục các "lỗ hổng"

Vũ Long LDO | 15/03/2022 08:58

Trước tình trạng 36 container hạt điều có nguy cơ chiếm đoạt do có dấu hiệu lừa đảo đã hé lộ nhiều "lỗ hổng" thương mại cần được khắc phục.

Những hình thức thanh toán trong xuất khẩu hàng hóa

Bộ Công Thương thông tin, sau khi nhận được thông tin về vụ việc các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều gặp khó tại Italia, hiệp hội và các cơ quan chức năng cũng đang phối hợp, nhanh chóng vào cuộc để gỡ khó cho các doanh nghiệp. Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, doanh nghiệp cần cẩn trọng có các phương án dự phòng rủi ro hơn trong các giao dịch thương mại.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nhân điều thường dùng phương thức thanh toán T/T (điện chuyển tiền), D/P (trả tiền nhận chứng từ) và CAD (thanh toán chứng từ trả tiền ngay) khi ký hợp đồng. Phương thức D/P hoặc CAD bớt rủi ro không được thanh toán cho người bán, mà cũng không mất nhiều thời gian, không yêu cầu người mua phải ký quỹ tại ngân hàng nên thường được cả người mua, người bán cùng chấp nhận. Từ đó hình thành cái gọi là thông lệ quốc tế trong kinh doanh.

“Bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể các L/C” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), trước đó, VINACAS nhận được “Đơn kêu cứu” của 5 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhân hạt điều, thu thập các tài liệu, chứng từ cho thấy có dấu hiệu lừa đảo và nguy cơ các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều có thể bị chiếm đoạt 36 container nhân hạt điều này.

Trước tình hình cấp bách khi 36 container nhân hạt điều có nguy cơ mất trắng vì đã và đang đến các cảng của Italia, VINACAS đã có văn bản đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và Văn phòng Interpol Vietnam bằng những biện pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả hỗ trợ VINACS và các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc...

Cần khắc phục "lỗ hổng" trong thương mại quốc tế

Ông Trần Thanh Hải cũng cho biết, L/C là một phương thức thanh toán ít rủi ro nhất, nhưng tiếc thay, lại không phải là phương thức thanh toán phổ biến nhất trong thương mại nông sản.

Dẫn lời một doanh nghiệp có hàng bị “mắc kẹt” tại Italia, ông Trần Thanh Hải cho hay, hàng nông sản giá trị thấp, mỗi lô hàng có trị giá vài trăm nghìn USD. Người mua thì không mua nhiều một lúc, mà mua gối đầu, từng lô nhỏ. Nếu lô hàng nào cũng mở L/C thì mỗi tháng có khi đến vài chục L/C. Mở L/C thì phải ký quỹ ngân hàng, không 100% thì cũng phải một tỉ lệ nào đó. Như vậy, người mua sẽ bị đọng vốn ở ngân hàng trong suốt thời gian chờ nhận hàng, lên đến cả tháng trời. Không người mua nào muốn như thế, nếu mình cứ khăng khăng đòi L/C thì họ sẽ đi tìm người bán khác.

Đó là chưa kể thời gian để nhận được L/C của ngân hàng người mua cũng khá dài, ít nhất phải một tuần mà giá thị trường thì biến động từng ngày. Trong khi phải nhận được L/C thì người bán mới có thể giao hàng. Đã mua bán thì ai cũng muốn kết thúc thương vụ nhanh chóng, dứt điểm.

“Do đó, theo doanh nhân trên, L/C chỉ chiếm khoảng 5% tỉ lệ thanh toán trên thực tế đối với hàng nông sản. Khi được hỏi, vì sao biết là rủi ro hơn L/C mà sao vẫn chấp nhận, thì doanh nhân này cho hay: Họ dùng T/T, D/P và CAD. Biết là có rủi ro hơn, nhưng cả thị trường đều như vậy. Thế mới có cái gọi là thông lệ quốc tế trong kinh doanh. Khi lựa chọn các phương thức này, mình cũng phải có thêm một số biện pháp để tăng thêm độ tin cậy của giao dịch” - ông Trần Thanh Hải thông tin.

Đồng thời, ông Hải nhấn mạnh, qua trao đổi với doanh nghiệp, có thể thấy thế mạnh đàm phán thuộc về ai. Khi thị trường là của người mua thì họ sẽ đưa ra phương thức thanh toán tiện nhất cho họ. Nếu thị trường thuộc về người bán thì người bán mới có thể áp đặt được phương thức có lợi cho mình.

Do đó, phải kiểm tra người mua kỹ hơn, qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Đặc biệt là giành quyền thuê tàu, vì khi thuê tàu thì ta sẽ chủ động hơn trong việc nắm lịch trình và có vấn đề gì thì ta làm việc với hãng tàu cũng dễ hơn vì ta là người trả tiền cho họ.

Theo một doanh nhân (đề nghị không nêu tên), bản chất của D/P, CAD hay L/C đều là nhờ thu qua ngân hàng. Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ thì tính an toàn tương đương nhau. Còn một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ, rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán. Như vậy, nếu đúng đây là một vụ lừa đảo thì hành vi lừa đảo này có thể diễn ra với bất kỳ hình thức thanh toán nào, chứ không phải chỉ với D/P hay CAD. Đây là một "lỗ hổng" trong thương mại quốc tế mà sau vụ này chúng ta phải tìm cách khắc phục.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn