MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lập kế hoạch hưu trí từ sớm để có tuổi già an nhàn. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

4 bước đơn giản và lưu ý nằm lòng trong lập kế hoạch hưu trí

Trần Thị Mai Hân - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP FIDT LDO | 18/10/2023 13:00

Việc lập kế hoạch tài chính rất quan trọng để có thể đánh giá được tính khả thi của kế hoạch hưu trí. Nếu cảm thấy các mục tiêu tài chính khó đạt được thì bạn cần điều chỉnh lại lộ trình từ sớm.

Hoạch định hưu trí giúp bạn xác định tuổi về hưu và làm những gì khi về hưu. Quá trình này chia thành 2 giai đoạn. Đầu tiên là chuẩn bị khối tài sản đủ lớn. Sau khi bắt đầu nghỉ hưu bạn sẽ dành số tiền này để chi tiêu cho tuổi già.

4 bước lập kế hoạch hưu trí

Bước 1: Liệt kê những nguồn thu nhập theo từng năm và tính đến khả năng tăng trưởng hoặc giảm sút.

Bước 2: Tính toán nhu cầu chi tiêu cho bản thân và những người phụ thuộc (bao gồm lạm phát trong từng giai đoạn cụ thể).

Bước 3: Lập kế hoạch hưu trí. Người trẻ cần đề ra và thực hiện các kế hoạch tài chính cá nhân như kết hôn, giáo dục con cái, phát triển kinh doanh, đầu tư... Đồng thời, nên sớm xác định thời điểm nghỉ hưu phù hợp với nhu cầu bản thân và tình hình tài chính hiện có, từ đó lập kế hoạch và tích lũy cho hưu trí.

Mục tiêu tài chính quan trọng nhất trong giai đoạn này là chuẩn bị khối tài sản đủ lớn để vừa thực hiện các mục tiêu tài chính cá nhân, vừa tích lũy cho tuổi già.

Bước 4: Tích trữ tiền khi vào tuổi nghỉ hưu. Nếu giai đoạn trước nghỉ hưu cần chú trọng vào tài sản thì giai đoạn sau nghỉ hưu sẽ trọng tâm vào dòng tiền. Khi đó, người cao tuổi nên chuyển các tài sản đã tích lũy của mình về vùng an toàn. Cân nhắc các sản phẩm hưu trí như bảo hiểm sức khỏe để có tuổi già an nhàn và dành lại tài sản cho thế hệ sau.

Kế hoạch hưu trí cần thực hiện từ sớm

Các bước thực hiện kế hoạch hưu trí chưa bao giờ là dễ dàng. Sau đây là một số điều bạn cần lưu ý:

Thứ nhất, hưu trí là kế hoạch lâu dài nên cần được thực hiện từ sớm và hướng mục tiêu tới tương lai. Thông thường, tâm lý chung của mọi người là lo cho các mục tiêu trước mắt. Ví dụ như ngoài 30 tuổi mục tiêu mua nhà, mua xe; ngoài 40 tuổi có mục tiêu lo cho con cái học đại học; đến ngoài 50 tuổi mới lo đến chuyện sau 60 tuổi nghỉ hưu.

Thứ hai, dự trù nhu cầu tài chính cho việc nghỉ hưu cần phải đầy đủ, gồm nhu cầu chi tiêu cho bản thân và cho những người phụ thuộc. Đối với nhu cầu chi tiêu cho bản thân, khi về hưu nên tính tới việc duy trì mức sống tương đương hiện tại. Ngoài ra, chi phí ăn uống có thể thấp hơn nhưng chi phí y tế lại tăng. Việc phân bổ tài sản thừa kế nên ưu tiên sau việc đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi.

Thứ ba, phương án dự phòng cần chuẩn bị sẵn. Mức trích lập dự phòng sẽ tùy thuộc vào thanh khoản của tài sản và tính ổn định của các nguồn thu nhập khi nghỉ hưu. Ngoài ra, gánh nặng bệnh tật của người Việt Nam có xu hướng tăng lên, đặc biệt các bệnh không lây nhiễm, mãn tính như xương khớp, tim mạch, tiểu đường… Nếu không có những chiến lược về sức khỏe, tài chính, bảo hiểm thì gánh nặng cho gia đình, cộng đồng, xã hội sẽ lớn.

Thứ tư, cần phòng ngừa rủi ro khi đầu tư. Lợi nhuận từ đầu tư cần đảm bảo mang lại dòng tiền đều đặn, đặc biệt khi không còn thu nhập từ tiền lương. Tài sản nên được đầu tư phù hợp với độ tuổi nghỉ hưu. Hạn chế những kênh có rủi ro cao và đa dạng kênh đầu tư để đáp ứng khả năng thanh khoản cho các mục tiêu khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn