MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các doanh nghiệp gỗ cần xác định tiềm năng của thị trường nội địa với 97 triệu người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Long

4 định hướng để ngành xuất khẩu mũi nhọn phát triển, vượt qua dịch COVID-19

Khánh Vũ LDO | 16/04/2020 07:07

Nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đang nỗ lực hành động cụ thể, xác định phương hướng để tiếp tục sản xuất, phát triển sau khi dịch bệnh COVID-19 kết thúc.

Chú trọng nhóm đồ gỗ chiến lược

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST): Cơ cấu dòng sản phẩm gỗ của Việt Nam đang sai, bởi đang sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và nhu cầu không tăng cao trong tương lai: Nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu tất cả các loại đồ gỗ trên thế giới. Phần 40% còn lại là các nhóm đồ gỗ khác như đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ ngoài trời.

Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, chuỗi cung cho các loại đồ gỗ chiến lược không bị biến động quá lớn, do nhu cầu về các sản phẩm vẫn tồn tại, trong khi nhu cầu về các nhóm đồ gỗ khác gần như mất hẳn.

Ảnh: Hố Nai

Thế nhưng, hiện nay tại Việt Nam, sản xuất các mặt hàng thuộc nhóm đồ gỗ chiếm lược đang bị nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc chiếm lĩnh, đặc biệt là từ lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra. “Miếng bánh này Việt Nam đang cho người khác hưởng” – ông Lập nói.

Liên kết, giảm phụ thuôc và nguồn cung nước ngoài

Theo VIFOREST, các liên kết này không chỉ giới hạn trong phạm vi các doanh nghiệp nội địa. Liên kết với các doanh nghiệp FDI giúp các doanh nghiệp nội địa hiểu rõ hơn về các dòng sản phẩm và thị trường xuất khẩu ở quy mô toàn cầu; tạo cơ hội để trao đổi thông tin về quản trị doanh nghiệp, công nghệ và thị trường, giúp đưa ra các kiến nghị về chính sách sát thực tế hơn.

Hình thành chuỗi cung hoàn chỉnh tại Việt Nam đòi hỏi các cơ chế, chính sách của nhà nước ưu tiên về phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Đến nay, ngành gỗ Việt Nam vẫn thiếu ngành công nghiệp phụ trợ khiến ngành lệ thuộc vào nguồn phụ trợ nhập khẩu từ bên ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc. 

Thay đổi phương thức bán hàng

Sự đứt gãy trong các chuỗi cung xuất khẩu do các hạn chế về cách ly xã hội cho thấy yêu cầu hết sức cấp bách của ngành trong việc chuyển đổi phương thức bán hàng theo cách truyền thống (offline) theo hình thức bán hàng online. Đây cũng là xu hướng trong thương mại toàn cầu hiện nay.

Ảnh: Vũ Long

Theo ông Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Định (BIFA), hiện tại BIFA đang hợp tác với 2 công ty thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu là Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Hai đối tác này đang tiến hành đào tạo cho một số công ty thành viên của BIFA và kỳ vọng trong tương lai các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại online.

Phát triển thị trường nội địa

Với dân số gần 97 triệu, tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển, quy mô của thị trường nội địa không hề nhỏ. Kinh nghiệm từ ngành chế biến gỗ của Thái Lan cho thấy, thị trường nội địa bên cạnh những thế mạnh là ổn định và tạo công ăn việc làm đặc biệt cho các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ tốt hơn so với thị trường xuất khẩu, các sản phẩm bán tại thị trường nội địa đem lại lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm xuất khẩu.

"Chính phủ và các doanh nghiệp trong ngành gỗ của Việt Nam cần dành sự quan tâm xứng đáng cho thị trường nội địa" - ông Đỗ Xuân Lập đề nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn