MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

4 doanh nghiệp bị đình chỉ, rút giấy phép kinh doanh xăng dầu

Cường Ngô LDO | 17/04/2021 17:29
Bộ Công Thương đã phối hợp với các lực lượng chức năng khác để xử lý vấn đề vi phạm chất lượng xăng dầu và gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, trong đó rút giấy phép, đình chỉ hoạt động kinh doanh với 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Số vụ vi phạm gia tăng

Trao đổi với Lao Động, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, thời gian vừa qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước nói chung và tại các tỉnh phía Nam nói riêng có diễn biến phức tạp.

Số vụ, đối tượng, số lượng xăng dầu, giá trị buôn lậu và vi phạm gia tăng. Đối tượng tham gia đa dạng, đa thành phần, cư trú trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố.

Gần đây nhất nổi lên là vụ việc Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt đường dây “sản xuất”, điều chế xăng dầu giả, làm hóa đơn giả hợp thức hóa toàn bộ số xăng dầu giả này để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Thủ đoạn vi phạm của các đối tượng là sử dụng tàu biển có trọng tải lớn trực tiếp nhập xăng từ nước ngoài về phao số 0 rồi dùng các loại dung môi hóa chất pha chế thành xăng loại A95 kém chất lượng, đưa về hợp thức hóa để tiêu thụ trên thị trường.

Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm tại TPHCM vì vi phạm kinh doanh xăng dầu. Ảnh: Công an Đồng Nai

Về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong quản lý chất lượng xăng dầu, ông Trần Duy Đông cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát đo lường, chất lượng xăng dầu sản xuất, pha chế, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; các địa phương có trách nhiệm giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý.

Còn Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu; giám sát việc phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, quản lý thị trường xăng dầu.

"Do có nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm quản lý theo chuyên môn của từng ngành, lĩnh vực, nên để thực hiện được công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về chất lượng xăng dầu cần có sự phối hợp chặt chẽ và kịp thời giữa các đơn vị chức năng, nhất là vác thành viên trong Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả", ông Đông khẳng định.

4 công ty bị rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh xăng dầu

Theo ông Đông, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với lực lượng công an, Tổng cục Đo lường chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ để xử lý vấn đề vi phạm chất lượng xăng dầu và gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Bộ đang phối hợp với Sở Công Thương các địa phương, triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên cả nước. Rà soát việc đáp ứng các điều kiện về kinh doanh xăng dầu của các thương nhân.

Trường hợp các thương nhân không đủ điều kiện kinh doanh, Bộ sẽ thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.

"Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hà Anh, Công ty cổ phần thương mại tư vấn đầu tư xây dựng Bách Khoa Việt; Đình chỉ hoạt động của Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam, Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm. Các doanh nghiệp bị thu hồi Giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động là do vi phạm quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, vi phạm các quy định pháp luật khác có liên quan.

Hiện, công tác hậu kiểm đang được chúng tôi triển khai quyết liệt và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới", ông Đông nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn