MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phần mặt bằng khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Cường Ngô

4 tuyến đường tại khu đô thị Thủ Thiêm: 12.000 tỉ đồng hay 6.500 tỉ đồng?

BẢO CHƯƠNG - CƯỜNG NGÔ LDO | 11/05/2018 10:00
Tại buổi tiếp xúc với cử tri quận 2 vừa qua của Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, một vấn đề nóng được các cử tri quan tâm đó là thông tin về việc 4 tuyến đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT có tổng chiều dài gần 12km nhưng chi phí được dự toán lên đến hơn 12.000 tỉ đồng là “dát vàng”. Để rộng đường dư luận, đại diện của Cty Đại Quang Minh đã có những trao đổi với Báo Lao Động về 4 tuyến đường này.

VIDIFI không gánh vác nổi

Thời kỳ đầu của dự án, TCty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là đơn vị được UBND TPHCM chấp thuận cho lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng 3 tuyến đường chính trong KĐT Thủ Thiêm theo hình thức BT. Tháng 11.2009, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lúc bấy giờ ký chấp thuận, đồng thời giao cho UBND TPHCM quyền lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT này.

Năm 2010, UBND TPHCM giao quyền đầu tư dự án cho VIDIFI. Sau đó, VIDIFI triển khai nghiên cứu và thi công một số hạng mục ban đầu nhưng đến cuối năm 2012, nhận thấy dự án xây dựng 4 tuyến đường nói trên có tổng vốn đầu tư rất lớn, công tác thiết kế phức tạp, đòi hỏi thời gian dài sẽ gây bất lợi và khủng hoảng kinh tế, VIDIFI đã đề xuất hợp tác đầu tư cùng Cty Đại Quang Minh.

“Tổng mức đầu tư dự án của 4 tuyến đường này theo hợp đồng được ký là hơn 12.000 tỉ đồng nhưng thực chất là chỉ hơn 8.000 tỉ đồng vì thực tế là chúng tôi không được tính và nhận số tiền 3.900 tỉ đồng là các khoản chi phí dự phòng trượt giá và chi phí lãi vay trong tổng mức hơn 12.000 tỉ đồng. Các chỉ số trượt giá này được tính toán dựa theo thông số trượt giá của Sở Xây dựng thành phố ban hành ở thời điểm ký kết hợp đồng.

Khi thiết kế bản vẽ thi công cũng được cơ quan nhà nước chuyên ngành thẩm định và phê duyệt” - ông Nguyễn Hoàng Tuệ - Phó TGĐ Cty Đại Quang Minh - nói, đồng thời dẫn chứng thêm rằng, trên các tuyến đường còn có 11 cây cầu, trong đó có 2 cầu cạn có chiều dài 1,8km và một cây cầu sắt bắc qua hầm vượt sông Sài Gòn có chiều dài 100m; một cây cầu vượt qua Quảng trường trung tâm rộng 55m vượt nhịp 38m, đảm bảo cho các lễ hội duyệt binh, diễu hành; còn các cầu khác là cầu đúc trên đà giáo để đảm bảo thẩm mỹ khu vực.

Về phía Cty Đại Quang Minh cũng đã nộp cho ngân sách UBND thành phố số tiền 2.400 tỉ đồng trong năm 2013. Và tính cho đến hiện nay, 4 tuyến đường này về cơ bản đã hoàn thành được 90% khối lượng công việc và chúng tôi cũng đã giải ngân khoảng 6.500 tỉ đồng và đang chờ quyết toán, có thể chênh lệch thêm một ít trên mức này.

Giá đất là 15 triệu đồng/m2 hay 40 triệu đồng/m2?

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Lao Động vào ngày 10.5, sau 5 năm đầu tư, 4 con đường trong đô thị mới Thủ Thiêm đã bắt đầu thành hình rõ, một số chỗ đấu nối giữa các tuyến đường và một vài cây cầu bị chậm tiến độ, đang ngừng thi công vì chưa hoàn thiện GPMB.

Để đổi lại 4 tuyến đường trên, UBND TPHCM giao cho Đại Quang Minh gần 79ha tại hai phường Thủ Thiêm và An Lợi Đông. Ông Nguyễn Hoàng Tuệ cho biết, thực tế trong số đất đó chỉ có 36ha là đất ở và thương mại dịch vụ, còn lại 8,73ha đất công trình công cộng và tiện ích xã hội như trường học, nhà văn hóa, bến du thuyền; 1,79ha đất xây dựng công viên cây xanh và 31,25ha đất giao thông.

Theo ông Tuệ, không có chuyện Đại Quang Minh mua đất với giá rẻ 15 triệu đồng/m2 như đồn đoán mà thực tế chi phí bình quân giá đất khoảng 40 triệu đồng/m2, không bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng giao thông kết nối trong nội khu dân cư và chi phí tài chính.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn