MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Quỹ hưu trí thường được tính bằng việc lấy chi phí sinh hoạt thiết yếu của một năm nhân với 25. Ảnh: Đức Mạnh

4 yếu tố quan trọng để xây dựng quỹ hưu trí, hướng đến nghỉ hưu sớm

Anh Kiệt LDO | 10/12/2023 18:54

Thời gian tạo dựng quỹ hưu trí là dài hạn với nhiều biến số, do đó, bạn nên lưu ý về khả năng gia tăng thu nhập, tăng tỉ suất lợi nhuận từ đầu tư, tăng tiết kiệm...

Xây dựng quỹ hưu trí là một vấn đề rất quan trọng trong bức tranh tài chính cá nhân của mỗi người. Đây không chỉ là một khoản tiết kiệm đơn thuần sinh lãi, mà còn là khoản sinh hoạt phí và chi phí chăm sóc y tế cũng như các chi phí khác dành cho một người về hưu trong khoảng một thời gian dài.

Theo ông Trần Mạnh Hoàng Việt - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT, quỹ hưu trí thường được tính bằng việc lấy chi phí sinh hoạt thiết yếu của một năm nhân với 25.

Lấy ví đơn giản, chi phí sinh hoạt thiết yếu của bạn là 25 triệu/tháng, một năm là 300 triệu đồng. Lấy số tiền này nhân 25 được 7,5 tỉ đồng (số tiền này nếu gửi tiết kiệm ngân hàng với lãi suất giả định là 4% thì sẽ ra số tiền sinh hoạt thiết yếu hàng tháng).

Song song với đó, bạn cần xác định tài sản đạt được vào năm nghỉ hưu. Liệu bạn có tích lũy được số tiền cần có cho quỹ hưu trí như đã ước tính hay không? Thời gian tạo dựng quỹ hưu trí sẽ là dài hạn với nhiều biến số, vị chuyên gia đưa ra những yếu tố sau mà bạn cần lưu ý:

Thứ nhất là gia tăng khả năng tạo thu nhập. Nếu mỗi năm có thể gia tăng thu nhập từ 3 - 5% và dùng cho tiết kiệm và đầu tư, bạn sẽ nhanh chóng tiến đến số tiền hưu trí sớm hơn dự kiến.

Thứ hai là gia tăng tỉ suất lợi nhuận từ hoạt động đầu tư. 10 – 15 năm là một khoảng thời gian có thể tạo ra sự chênh lệch khá lớn giữa các mức lãi suất khác nhau. Bạn có thể nâng cao kiến thức đầu tư để cụ thể hoá bằng những mức lãi suất tốt hơn từ 7 - 15%. Hiện tại, các sản phẩm đầu tư gồm tiền gửi ngân hàng, vàng, ngoại tệ, trái phiếu, chứng khoán, chứng chỉ quỹ, bất động sản. Bạn nên tham vấn chuyên gia để xác định chính xác kênh phù hợp theo từng giai đoạn.

Thứ ba là gia tăng tỉ lệ tiết kiệm trên tổng thu nhập. Rà soát lại các khoản mục chi tiêu, tính toán các khoản chi phí có thể điều chỉnh giảm để gia tăng số tiền tiết kiệm cũng sẽ hướng bạn đến đích nhanh hơn.

Thứ tư là ngoài chi phí sinh hoạt thiết yếu khi về hưu, bạn cũng cần lưu ý tới chi phí chăm sóc y tế. "Lời khuyên của tôi là bạn nên có các loại bảo hiểm an sinh của nhà nước là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bởi chế độ y tế về hưu rất tốt. Đồng thời gia tăng các loại bảo hiểm khác như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo và đảm bảo khoản chi cho các loại bảo hiểm này nằm trong 5 - 8% thu nhập/năm" - ông Việt chia sẻ.

Cuối cùng, khoản tiền bạn dự định cho hưu trí hoàn toàn có thể được điều chỉnh linh hoạt và phù hợp với từng giai đoạn. Bạn nên định kỳ đánh giá lại hàng năm hoặc tham vấn cùng các chuyên gia để cơ cấu các phương án phù hợp.

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn