MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giai đoạn 2021 -2025, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút vốn FDI đăng ký khoảng 150 đến 200 tỉ USD. Ảnh minh họa: M.H

5 động lực để kinh tế Việt Nam bứt tốc từ quý II/2021

Minh An LDO | 01/01/2021 19:00

Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng GDP năm 2021 của nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,5% so với năm trước. Mức tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý II/2021 và giữ đà tăng đó đến năm 2022 (tăng đến khoảng hơn 7%).

2021 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm mới giai đoạn 2021-2025.

Trong kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%.

Theo SSI, điều đáng lưu ý là quy mô GDP giai đoạn này được điều chỉnh, khác với các giai đoạn trước đây (điều chỉnh quy mô GDP làm cho GDP cao hơn 27% trong năm 2020 do khu vực kinh tế chưa được quan sát được đưa vào để tính GDP), do đó mức tăng trưởng dựa trên cơ sở cao này được dự báo là rất khả quan.

Kế hoạch 5 năm sẽ có hai giai đoạn, giai đoạn phục hồi 2021-2022 và giai đoạn tăng tốc 2023-2025. Do vậy, đối với năm 2021, Chính phủ vẫn tiếp tục việc nới lỏng chính sách tiền tệ và thực hiện chính sách tài khóa mở rộng. Thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục ở mức cao, kể cả theo số tuyệt đối do GDP theo giá hiện hành được điều chỉnh tăng.

SSI dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ đạt 6,5% so với năm trước. Mức tăng trưởng sẽ bắt đầu tăng tốc từ quý II/2021 và giữ đà tăng đó đến năm 2022 (tăng đến khoảng hơn 7%).

Có 5 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021.

Động lực đầu tiên và quan trọng nhất là Việt Nam đã trở thành trung tâm có tầm quan trọng hơn trong hệ sinh thái công nghiệp chế biến chế tạo toàn cầu. Trong quý IV/2020, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng 6,3% so với cùng kỳ (riêng tháng 12: +9,5% so với cùng kỳ), trong khi ngành sản xuất đạt tăng trưởng đáng kể ở mức 9% so với cùng kỳ. Điều này xác nhận cho sự phục hồi về mặt sản xuất đã quay trở lại mức trước khi có dịch COVID-19.

Thứ hai, việc ký kết thành công các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA hay RCEP cũng tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm tới.

Trong năm 2021, SSI Research dự báo tăng trưởng giải ngân đầu tư công sẽ khó có thể tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy vậy, dòng vốn FDI dự kiến sẽ tăng mạnh trở lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Dòng vốn FDI đăng ký trong năm 2020 chỉ giảm -8,7% so với cùng kỳ (tổng vốn FDI đăng ký khoảng 21 tỉ USD theo giá trị tuyệt đối, thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỉ USD). Điều này cho thấy triển vọng đầy hứa hẹn về dòng vốn FDI cho năm 2021

Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa được dự báo phục hồi từ năm 2021 là động lực thứ 4 thúc đẩy tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam.

Cuối cùng, việc cải thiện môi trường kinh doanh sẽ tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng năm tới. Có rất nhiều luật mới sẽ có hiệu lực từ năm 2021, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Hợp tác công tư (PPP), Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài ra, với việc cải cách Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), điều quan trọng là Chính phủ phải xóa bỏ các vướng mắc về định giá doanh nghiệp và thủ tục IPO/thoái vốn để có tái khởi động hoạt động cổ phần hóa/thoái vốn DNNN trong năm 2021.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn