MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

5 giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% vào năm 2022

Đặng Chung LDO | 21/10/2021 19:43
Ngoài chiến lược vaccine, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, Chính phủ cần có các chính sách tài khóa, cấp bù lãi suất giúp doanh nghiệp có nguồn lực để phục hồi sản xuất, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 6,5% vào năm 2022.

Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 là khả thi

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%.

Nếu ở hoàn cảnh thuận lợi, chỉ số này có thể dễ vượt qua. Vì thực tế năm 2018, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam là 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, giúp Việt Nam lọt top 11 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Năm 2019, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng đạt 7,02%. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động mạnh của dịch bệnh, con số tăng trưởng 6-6,5% là một mức rất cao và phải rất nỗ lực, quyết tâm để đạt.

Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội ngày 21.10, thừa nhận còn nhiều khó khăn, nhưng các đại biểu bày tỏ lạc quan về mục tiêu tăng trưởng.

TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. 

Theo TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu nói trên.

 “Không ai có thể dự báo được bao giờ kiểm soát được dịch COVID-19, hay các vấn đề về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Mức tăng trưởng 6,5% được Chính phủ xây dựng dựa trên nhận định lạc quan rằng COVID-19 có thể được kiểm soát tốt và độ bao phủ vaccine sẽ được đảm bảo vào quý I năm 2022. Và thực tế dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, nhiều tỉnh thành đã mở cửa. Nếu việc tiêm phủ vaccine đảm bảo tiến độ, thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% là khả thi”- đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Một lý do khác khiến đại biểu Vũ Tiến Lộc lạc quan về mục tiêu tăng trưởng là hiện nay chúng ta đang trên nền tăng trưởng thấp, nếu khôi phục lại năng lực sản xuất, thì mức tăng trưởng thậm chí có thể bật cao hơn.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng không thể hạ thấp mục tiêu tăng trưởng.

“Với đà phục hồi hiện nay, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là phù hợp và có cơ sở. Bởi mục tiêu nhiệm kỳ đặt ra là 6-6,5%. Trong bối cảnh giả định kiểm soát được dịch thì không có lý do gì chúng ta lại đặt mục tiêu tăng trưởng của năm 2022 dưới mức này. Tất nhiên sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào kịch bản phòng chống dịch”- đại biểu Cường nói.

Cần nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp bứt tốc

Hiến kế các giải pháp giúp Chính phủ đạt được mục tiêu này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, thống kê 9 tháng qua cho thấy, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực tăng trưởng dương, trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế. Cứ lúc nào đất nước rơi vào khó khăn, thì ngành nông nghiệp là điểm sáng cho thấy Chính phủ phải đầu tư mạnh hơn cho lĩnh vực này.

Tiếp đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, cần chủ động được nguồn vaccine trong nước. Theo đại biểu Cường, thành công rất lớn của Việt Nam đến thời điểm này là từ vùng “trắng vaccine vào tháng 3, nay chúng ta đã có trên 60 triệu liều vaccine được tiêm.

“Đây có thể coi là kỳ tích”, “chúng ta phải có vũ khí, phương tiện để phòng chống dịch, phục hồi kinh tế. Vũ khí ở đây chính là vaccine. Chính phủ cần có lộ trình để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước”- đại biểu nói thêm.

Giải pháp thứ ba, đại biểu cho rằng, cần có chỉ đạo thống nhất từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng chống dịch để tránh nguy cơ hình thành “giấy phép con”, mỗi nơi làm một kiểu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

“Một vấn đề nữa tôi muốn nói thêm là hiện nguồn lực của các doanh nghiệp đang gần như cạn kiệt. Khi nguồn lực không có, nếu chúng ta hỗ trợ bằng cách giãn, hoãn nợ thì chỉ giảm khó khăn thôi chứ chưa tạo ra nguồn lực.

Nguồn lực ở đây chính là nguồn vốn cho doanh nghiệp vay, nhưng nguồn vốn này không thể như vốn vay thương mại thông thường mà cần cấp bù lãi suất.

Nhà nước bỏ ngân sách ra cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp và hầu hết các doanh nghiệp đều phải được hưởng chính sách này. Nếu bỏ ra khoảng 30.000 tỉ ngân sách để cấp bù, mức chênh lệch lãi suất 3-4% để lãi suất doanh nghiệp được vay thấp hơn mức lạm phát (hiện nay lạm phát là 4%), thì doanh nghiệp mới có nguồn lực để phục hồi”- đại biểu Cường nhấn mạnh.

Giải pháp thứ 5 được đại biểu Hoàng Văn Cường nhắc tới là chính sách tài khóa để tăng nguồn lực,  tăng nợ công lên chứ không nên phấn đấu giữ ở mức 43-44%. Chúng ta phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng không có nghĩa là không đầu tư.

Ông cho rằng, nếu cứ giữ nợ công ở mức trên thì có thể tăng thành tích cho mình nhưng sẽ kìm hãm sự phát triển nền kinh tế. Vì vậy, việc tăng nợ công để cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, để đặt hàng các công trình hiện nay đang bị hổng, như phát triển logistics, vận tải biển, cảng biển, đầu tư cho kinh tế số, để tạo ra những đầu tàu, mũi nhọn về kinh tế là hết sức cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn