MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

5 năm thần tốc của xuất khẩu Việt Nam, nhưng đừng quên thị trường nội địa

Cường Ngô LDO | 31/01/2022 06:55

Hoạt động xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế giai đoạn 2016-2021. Theo các chuyên gia kinh tế, điều này cho thấy năng lực sản xuất trong nước tăng trưởng cao, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tạo thuận lợi và phản ánh kết quả tích cực của công tác hội nhập kinh tế quốc tế. 

“Điểm sáng” xuất khẩu và FDI

Cơn địa chấn "COVID-19" lần thứ tư đổ ập vào nhiều tỉnh, thành phố vốn là trung tâm sản xuất hàng may mặc, giày dép, điện tử, đồ gỗ… lớn của Việt Nam và kéo dài nhiều tháng là "phép thử" với cả nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu trong năm qua.

Thời điểm cam go từ tháng  7 đến tháng 8.2021, nhiều tổng công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phải đóng cửa nhiều nhà xưởng, nhiều công nhân phải tạm ngưng việc làm. Đơn cử, Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến đã phải đóng cửa gần như toàn bộ nhà xưởng, 34.000/36.000 công nhân phải nghỉ việc.

Nhưng rồi giai đoạn khó khăn nhất cũng qua đi. Từ tháng 10.2021, Chính phủ nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, thay đổi sang thích ứng an toàn với dịch, 90% lao động đã trở lại làm việc, giúp doanh nghiệp gỡ lại bài toán kinh doanh.

Kết thúc năm 2021, dù dư chấn của đợt dịch còn lớn, nhưng Việt Tiến đã cơ cấu lại phần nào sản xuất, đóng góp vào con số xuất khẩu 39 tỉ USD, tăng trưởng gần 12% của toàn ngành trong năm 2021.

Năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng tăng trưởng ngoạn mục, trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó, xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.

Xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt con số kỷ lục trong năm 2021. Ảnh: Cường Ngô 

Lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam năm nay cũng đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2021, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 19,74 tỉ USD. 

Việt Nam vừa phải coi trọng xuất khẩu, nhưng không được bỏ quên thị trường nội địa.

GS-TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - người có hơn 30 năm làm việc trong lĩnh vực đầu tư cho Lao Động biết, việc thu hút nhiều “đại bàng” vào Việt Nam, theo GS Nguyễn Mại “là tín hiệu rất tích cực”, không chỉ góp phần gia tăng sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm cho người lao động, mà còn tạo động lực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam - xuất khẩu dự trên nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bởi, thu hút FDI và thúc đẩy xuất khẩu là hai trụ cột quan trọng của mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu. Việc kết hợp hai trụ cột này với mục đích khai thác đồng thời lợi thế vốn, công nghệ và thị trường của FDI với lợi thế từ nguồn lao động và đầu vào giá rẻ của doanh nghiệp nội địa.

“Kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng nhờ vào “điểm sáng” xuất khẩu. Do đó, để khai thác hiệu quả vấn đề này, chúng ta nên kết hợp nhiều chính sách như thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia (TNC) định hướng xuất khẩu, thành lập đặc khu kinh tế để thu hút hiệu quả FDI, khuyến khích doanh nghiệp FDI kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong nước hướng xuất khẩu, khuyến khích doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu và tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế” - GS Nguyễn Mại cho hay.

Theo GS Nguyễn Mại, những năm qua, độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng, nhất là những mặt hàng tỉ USD.

“Việt Nam chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu, xuất siêu đạt mức kỷ lục trong năm 2021 sẽ góp phần giúp cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế dương, làm cho đồng tiền Việt Nam ổn định hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vừa phải coi trọng xuất khẩu, nhưng không được bỏ quên thị trường nội địa.

“Thị trường nội địa của Việt Nam cũng xấp xỉ 100 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521USD. Với thị trường nội địa như vậy cũng là một thị trường rất lớn, trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2021, bên cạnh tăng cường xuất khẩu, chúng ta phải lưu ý thị trường nội địa” - ông nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn