MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ số tiếp cận điện năng trong 5 năm qua của điện lực Việt Nam tăng từ vị trí 156 thế giới lên thứ 27. Ảnh: Hoa Việt

5 năm thực hiện Nghị quyết 19: Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số

Khánh Vũ LDO | 02/11/2018 17:06
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, Việt Nam đã tiến khoảng 30 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kinh doanh và có sự khác biệt lớn trong chỉ đạo. Tuy nhiên, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, một số chỉ số đang “tụt dài”.

Các chỉ số tăng nhanh

Theo bà Nguyễn Minh Thảo-Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), năm 2014, năm đầu tiên thực hiện, hầu như chỉ có Bộ Tài chính (thuế và hải quan), Tập đoàn Điện lực và TPHCM thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Tại hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” do (CIEM) tổ chức, các ý kiến cho thấy, sau 5 năm, số lượng các bộ ngành tham gia tăng đều và đến năm 2018, hầu hết các bộ đã vào cuộc,  việc triển khai Nghị quyết đạt một số kết quả: Hầu hết các chỉ số của môi trường kinh doanh đều cải thiện. Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số và thậm chí tăng rất nhanh trong năm 2017. Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số.

Đặc biệt, theo TS Nguyễn Đình Cung, việc chỉ số tiếp cận điện năng trong 5 năm qua của điện lực Việt Nam tăng từ vị trí 156 thế giới lên thứ 27 là “rất đáng học hỏi”.

Chỉ số khởi sự kinh doanh đã được cải thiện; cấp phép xây dựng duy trì thứ hạng tốt; tiếp cận điện năng liên tục tăng điểm, tăng bậc.

Đăng ký sở hữu tài sản năm 2018 lần đầu tiên có cải thiện sau 5 năm; giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng có sự cải thiện nhờ việc công khai các bản án.

Giao dịch thương mại qua biên giới, lĩnh vực liên quan nhiều tới hoạt động kiểm tra chuyên ngành, không có nhiều sự thay đổi về điểm số, nhưng giảm bậc. Hiệu quả logistics năm 2018 của Việt Nam được cải thiện nhiều nhất trong hơn một thập niên qua…

Kết quả vẫn khá xa so với mục tiêu, nhưng tạm hài lòng

Theo CIEM, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh vẫn có nhiều nội dung cần bàn, vẫn còn nhiều điều kiện bất hợp lý, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý.

Kiểm tra chuyên ngành có những đột phá như Nghị định 15 năm 2018 về an toàn thực phẩm giúp các DN giảm được 90% chi phí và hàng triệu ngày công, nhưng vẫn có rất ít thủ tục kết nối hoàn toàn trên cơ chế một cửa quốc gia, hầu hết các thủ tục vừa online, vừa nộp bản giấy.

TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Nghị quyết 19 đã tạo rất nhiều khác biệt so với trước, từ phương pháp hoàn toàn mới lấy đánh giá của Ngân hàng Thế giới để áp dụng chứ không tự đánh giá; mục tiêu cụ thể, đo lường được, giám sát được. Tới nay, tuy mức độ, cường độ khác nhau nhưng các bộ ngành đều đã vào cuộc, tạo sự thay đổi về nhận thức và hành động.

Các Nghị quyết đặt mục tiêu cao nhưng khả thi, rõ ràng, cụ thể, đo lường được, giải pháp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng. Khác biệt lớn từ nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, mạnh mẽ, nhất quán, thường xuyên và liên tục.

"Không có cuộc họp nào Thủ tướng không nhắc vấn đề này. Thường xuyên có theo dõi, đánh giá khách quan, độc lập. Nhờ đó, đã có kết quả rõ nét, khác biệt so với trước và có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường tăng lên, chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn”-TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, kết quả đạt được vẫn khá xa so với mục tiêu, chưa đạt trung bình ASEAN 4. Kết quả đạt được không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, các bộ ngành, địa phương.

Tuy kết quả chưa như kỳ vọng nhưng đã tạo khác biệt khác hẳn so với trước, các chỉ số, thứ hạng cũng đã tăng, tổng thể môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến khoảng 30 bậc, thu hẹp khoảng cách so với trung bình ASEAN 4.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn