MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

5 ngày không bán nổi 1 chiếc áo, tiểu thương Cần Thơ treo biển nhượng kiốt

PHONG LINH - BÍCH NGỌC LDO | 02/04/2023 10:13
Cần Thơ - Nhiều tháng nay, các tiểu thương tại chợ truyền thống ở Cần Thơ, đặc biệt là các chủ sạp quần áo, mỹ phẩm rơi vào cảnh lỗ vốn vì chợ ế ẩm, đìu hiu khách. Có tiểu thương mở cửa 5 ngày nhưng không bán được một sản phẩm nào, cũng có tiểu thương vì thua lỗ mà phải sang lô, sang kiốt.

Sale đến giá vốn vẫn không bán được

"Lướt điện thoại, ngồi tán gẫu, xếp đi xếp lại số quần áo là cách mà nhiều tiểu thương tại chợ Cái Khế này đốt thời gian khi chờ khách đến mua và cũng là cách để chúng tôi để buồn tẻ" - bà Phạm Hồng Liên, tiểu thương tại Trung tâm thương mại Cái Khế, hay còn gọi là chợ Cái Khế, chia sẻ.

Trung tâm thương mại Cái Khế gặp cảnh đông người bán nhưng ít người mua. Ảnh: Phong Linh 
 Bà Liên ngồi lướt điện thoại cả ngày để đợi khách đến mua. Ảnh: Phong Linh

30 năm bán quần áo từ khi chợ Cái Khế còn chưa xây dựng thành trung tâm, có thể nói, đây là lần đầu tiên bà Liên lâm vào cảnh chờ khách.

"Đã có lúc tôi phải đóng cửa vì không có khách đến mua, nhưng vì nhớ nghề, tôi lại đến chợ mở cửa trở lại. Nếu nói đến số lượng khách đến mua hiện nay thì không biết "nhắm chừng" thế nào cho sát, cứ hiểu là 5 ngày rồi chúng tôi không bán được một món hàng nào" - bà Liên nói. 

 Áo sale từ 150.000 đồng xuống còn 50.000 đồng. Ảnh: Phong Linh

Trước tình cảnh trên, bà Liên chủ động tìm giải pháp "sale hàng" để mong lấy lại vốn. Một chiếc áo thun với giá ban đầu là 150.000 đồng, bà giảm xuống lần lượt còn 130.000 đồng, 100.000 đồng, 80.000 đồng và đỉnh điểm hiện tại chỉ còn 50.000 đồng... nhưng vẫn không bán được.

"Vì cuộc sống nên tôi phải cố gắng duy trì nuôi hy vọng, chờ cơ hội thu hồi vốn nhưng nếu kéo dài thì đến một lúc nào đó, tôi cũng phải bỏ cuộc thôi.

Cũng vì buôn bán ế, không có tiền đóng thuế, đóng mặt bằng mà các quầy hàng khác đã đóng cửa, treo biển sang lô rồi. Người ta tìm công việc khác chắc ăn hơn, không phải cầm chừng "lậm"  tiền nhà như chúng tôi nữa" - bà Liên nói thêm. 

 Nhiều kiốt dán biển sang lô. Ảnh: Phong Linh
 Ảnh: Phong Linh

Chị Nguyễn Thị Thanh (tiểu thương buôn bán quần áo tại chợ Cái Khế) thông tin: "Từ sau đại dịch, việc bán hàng bị chậm rất nhiều, doanh thu hầu như không có, nếu so với trước đây thì cũng chưa đến 30%.

Nhiều lần chạnh lòng vì buôn bán ế ẩm, tôi lướt điện thoại cho đỡ chán, thấy nhiều người bán được hàng chốt đơn liên tục còn mình thì có khi một ngày bán cũng không đủ bữa ăn nên tôi đóng cửa sớm ra về cho xong.

Thú thật tôi cũng không ngăn nổi sức hút của hàng online để rồi chính tôi cũng mua vì nó... tiện lợi".

Ngại chuyển đổi hình thức kinh doanh

Mặc dù việc buôn bán ế ẩm, sẵn sàng bán tống, bán tháo hay sang lại kiốt nhưng nhiều tiểu thương tại chợ truyền thống ngại việc chuyển đổi hình thức, bởi họ tin rằng, nhiều người tiêu dùng muốn tận mắt trông thấy sản phẩm thật, thử sản phẩm trước khi bỏ hầu bao ra để mua.

 Tiểu thương chia sẻ tình hình buôn bán với phóng viên Báo Lao Động. Ảnh: Phong Linh

"Tôi tin vẫn còn nhiều người tiêu dùng thích xem hàng thật, thử hàng thật hơn là đặt hàng online rồi đinh ninh sản phẩm giả mạo. Bản thân tôi nghĩ một phần là vì họ hiếu kỳ nên mua theo phong trào, rất có khả năng họ sẽ lại chợ mua và khi đó chúng tôi sẽ lại buôn bán thuận lợi" - bà Thanh đặt vấn đề. 

Một tiểu thương giấu tên tại chợ, chia sẻ: "Cá nhân tôi thì lại nghĩ khác. Nếu giỏi công nghệ và khéo léo ăn nói như người ta trên livestream (phát sóng trực tiếp) thì tôi cũng thử làm. Chỉ tại mình lớn tuổi nên không theo đuổi kịp. Huống hồ, mình không phải thuê mặt bằng, đóng thuế, như vậy thì quá lời".

 Tiểu thương nhìn nhận nếu bản thân giỏi công nghệ cũng sẽ thử bán hàng livestream. Ảnh: Phong Linh

Hiện tại, TP Cần Thơ đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, nhất là hoạt động thương mại điện tử. Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký, quảng bá sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử. Tiêu biểu, triển khai Mô hình chợ 4.0 thanh toán không tiền mặt tại 14 chợ truyền thống tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn